Diện mạo Bác Ái hôm nay. Ảnh: Minh Hà
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng nhân dân Bác Ái một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Tiêu biểu có các anh hùng như: Pi Năng Tắc, Pi Năng Thạnh, Chamaléa Châu... những người con ưu tú của quê hương Bác Ái đã nghĩ ra cách làm bẫy đá, hầm chông, phục kích bắn máy bay địch ghi được nhiều chiến công, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với quyết tâm vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bác Ái đã không ngừng nỗ lực vượt khó, từng bước vượt qua thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng khấm khá, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Về Bác Ái trong những ngày đầu tháng Tư lịch sử, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay của một huyện miền núi. Từ một huyện có kết cấu hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn, đến nay 100% đường liên huyện, xã, thôn được trải nhựa, cấp phối, bê tông... Với lợi thế về quỹ đất sạch, rộng, giúp cho huyện thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Đến nay, huyện đã quy hoạch được 3 vùng phát triển nông nghiệp CNC tại 3 xã: Phước Trung, Phước Tiến và Phước Thắng. Qua đó đã thu hút được 5 doanh nghiệp đầu tư sản xuất với các loại cây trồng và vật nuôi như: Mía, dưa lưới, dưa lê, rau sạch, bưởi da xanh, mô hình trồng chuối già Nam Mỹ... lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, trong những năm qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình gắn với lựa chọn, nghiên cứu khả năng thích nghi để hình thành bộ giống sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn huyện giúp người dân nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế với các loại cây trồng như: Điều BN1 hạt chùm, điều BN1 hạt ghép; mì cút xanh, cút đỏ; bưởi da xanh, xoài Thái, chanh không hạt. Ngoài ra, còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện Đề án “Bảo tồn giống chuối mồ côi tại xã Phước Bình”; phối hợp với Vườn quốc gia Phước Bình thực hiện Đề án “Bảo tồn nguồn nấm Linh chi”... Đến nay, các mô hình đã chuyển giao cho người dân thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong lĩnh vực chăn nuôi, những năm qua huyện đã thu hút được 2 công ty và 17 trang trại chăn nuôi heo liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và CJ, quy mô từ 600-4.800 con, qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các trang trại, giá trị sản xuất hàng hóa đạt gần 1 tỷ đồng/ha đất sản xuất mỗi năm. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt nhằm giúp người dân dần cải tạo chất lượng đàn bò, nhờ đó đàn bò trên địa bàn huyện dần được cải tạo chất lượng trên diện rộng, giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi...
Nông dân xã Phước Bình trồng cây ăn quả,
mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Kha Hân
Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết: Trong những năm qua, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh giúp địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho phát triển KT-XH. Đặc biệt hệ thống đường giao thông hoàn chỉnh đóng vai trò quan trọng đối với sự bứt phá vươn lên của huyện nhà. Hiện nay 9/9 xã của huyện ô tô đến tận nơi, giúp việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của bà con được thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế. Cùng với đó, huyện đã xây dựng hơn 40 đập dâng, ao, hồ chứa nước và hệ thống kênh, mương giúp bà con có nguồn nước ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị; phát huy đoàn kết toàn dân tộc, tích cực phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực: Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tăng bình quân
Hồ Trà Co. Ảnh: Văn Nỷ
7,5%/năm, tổng diện tích gieo trồng đạt trên 11.000 ha. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao. Công tác đào tạo nghề nông thôn, xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, gắn với tạo việc làm cho người dân được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 5,9%, đạt và vượt kế hoạch theo lộ trình của tỉnh và huyện đề ra. Chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực, kết quả huy động học sinh ra lớp hằng năm đều tăng, đạt 98,1%. Cơ sở hạ tầng y tế xã được quan tâm đầu tư nâng cấp, đội ngũ cán bộ y tế, trang thiết bị, phương tiện phục vụ khám, chữa bệnh được quan tâm hỗ trợ, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Hiện nay toàn huyện có 8/9 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế...
Giờ thể dục của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Đinh Bộ Lĩnh. Ảnh: V.Miên
Theo đồng chí Mẫu Thái Phương, trong giai đoạn tới, huyện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa Bác Ái phát triển nhanh và bền vững, trọng tâm: Tăng cường đổi mới, tích cực phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực xã hội, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển KT-XH; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của trung ương, của Tỉnh ủy về Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, các Chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC trên địa bàn huyện. Đồng thời, tiếp tục củng cố, xây dựng mối liên kết bền chặt giữa nông dân với doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa dồi dào và chất lượng trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về đất đai, lao động ở địa phương; hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương Bác Ái ngày càng phát triển.
Kha Hân