Trung tâm huyện Thuận Bắc. Ảnh: V.M
Trở lại Thuận Bắc trong những ngày tháng Tư lịch sử, nơi từng được mệnh danh là vùng đất “tuyến lửa” trong chiến tranh. Từ vùng đồng bằng đến các xã miền núi, chúng tôi chứng kiến bao sự đổi thay, những tên làng, tên xóm gắn liền với lịch sử năm xưa đang khoác lên mình một diện mạo mới. Nhớ lại những năm mới đầu thành lập, nơi đây là một huyện nghèo thuần nông, với gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thương mại, dịch vụ chưa phát triển, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đứng trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền huyện đã nhanh chóng bắt tay củng cố tổ chức bộ máy chính trị từ huyện đến cơ sở, tạo thống nhất về nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị để nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển. Cùng với đó, triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm khơi dậy nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ của cấp trên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người dân.
Trong sản xuất nông nghiệp từ phương thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ nay đã từng bước ổn định, cơ cấu nông - lâm nghiệp tăng cả về quy mô, năng suất và hiệu quả, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 16,1%. Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung với một số cây trồng chủ lực như lúa, bắp lai, đậu xanh, nha đam, măng tây xanh, mãng cầu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân. Chăn nuôi cũng có bước phát triển nhanh theo hướng nâng cao chất lượng đàn, hình thành trang trại, gia trại, mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm vật nuôi được mở rộng. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư; khoa học - công nghiệp được áp dụng đại trà, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển rõ rệt.
Điện gió, điện mặt trời Trung Nam (Thuận Bắc). Ảnh: Trần Duy
Từ một huyện thuần nông, Thuận Bắc hôm nay đang trở thành vùng trọng điểm về năng lượng tái tạo phía Bắc của tỉnh. Đặc biệt, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 6/10/1016 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 113-KH/TU ngày 11/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của huyện. Nhờ thực hiện hàng loạt chủ trương, chính sách thông thoáng đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, nhất là các dự án điện gió, điện mặt trời đã biến hàng trăm héc-ta đất hoang hóa, khu vực canh tác kém hiệu quả trở nên có giá trị, tạo việc làm ổn định cho người dân. Với quyết tâm đưa công nghiệp trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ khác, huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đảm bảo đồng bộ, thống nhất; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư. Phấn đấu đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy năng lượng tái tạo đi vào vận hành đạt 910 MW, với tổng sản lượng điện thương phẩm dự kiến đạt 2.500 triệu kWh/năm; hỗ trợ nhà đầu tư cơ bản hoàn chỉnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng, lắp đầy khoảng 50% trong Khu công nghiệp Du Long; hoàn thiện quy hoạch làm cơ sở kêu gọi đầu tư vào Cụm công nghiệp Lợi Hải và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn.
Điểm nhấn phát triển trong vài năm trở lại đây, đó là nhờ nắm bắt cơ hội, tận dụng tốt các lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Từ những sản phẩm du lịch (DL) dựa trên tiềm năng, lợi thế của huyện như: DL sinh thái cộng đồng, DL biển và phát huy di sản văn hóa vùng đồng bào DTTS, huyện tích cực phối hợp cùng với các sở, ngành của tỉnh kêu gọi các thành phần kinh tế đến tìm hiểu và đầu tư với các dự án DL có quy mô lớn. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành Khu DL Bình Tiên và Khu DL sinh thái cộng đồng Núi Chúa Village và 2 cơ sở lưu trú. Thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá đã thu hút một lượng không nhỏ khách DL, ước tính khoảng 9.500 lượt khách đến tham quan, dã ngoại tại địa phương vào các dịp nghỉ lễ, tết, dịp hè hằng năm. Cùng với đó, hạ tầng thương mại cũng được cải thiện, với 4/5 xã thuộc vùng DTTS và miền núi đã có chợ, đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa, tiêu dùng của nhân dân.
Sân golf Nara Bình Tiên. Ảnh: H.Nguyệt
Nhìn lại chặng đường đã qua, huyện Thuận Bắc hôm nay đang có sự chuyển mình rõ nét. Hệ thống giao thông từ xã đến thôn ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa các vùng miền; điện lưới quốc gia phủ kín 100% ở các thôn trên toàn huyện. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao; đến nay, có 6/6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ y tế toàn dân đạt 98%. Hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS khó khăn, gia đình chính sách được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở theo các chương trình 134, 167 của Chính phủ và từ các nguồn quỹ đóng góp từ cộng đồng, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể.
Với những thành tích mà huyện đạt được trong những năm qua là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng và là sự kết tinh sức mạnh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân trên địa bàn. Theo đồng chí Vũ Ngọc Đương, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, tập trung huy động mọi nguồn lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo từng thế mạnh ở mỗi khu vực gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện đảm bảo công tác an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh.
Hồng Lâm