Tháng Tư trên những công trình trọng điểm

Trong những ngày tháng Tư, không khí lao động sản xuất trên những công trình trọng điểm của tỉnh đang diễn ra rất khẩn trương, sôi nổi. Các nhà thầu, đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, lập thành tích kỷ niệm 48 năm giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 31 năm tái lập tỉnh.

Kênh Chà Là (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Uyên Thu.

Tại công trường thi công Dự án Môi trường bền vững - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, tranh thủ thời tiết thuận lợi các kỹ sư, công nhân thuộc các gói thầu xây lắp đang khẩn trương thi công các hạng mục quan trọng, nạo vét khơi thông, kiên cố hóa các tuyến kênh, xây dựng đường giao thông, tạo cảnh quan dọc các tuyến kênh với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án hoàn thành theo đúng cam kết với đơn vị tài trợ. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn thiện hạ tầng, quy trình thu gom, xử lý nước thải, cải thiện vệ sinh môi trường trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; công trình có tổng mức đầu tư lớn với hơn 2.328,9 tỷ đồng, có tổng cộng 35 gói thầu, ảnh hưởng đến thu hồi đất liên quan 1.600 hộ dân thuộc 15 xã, phường trên địa bàn thành phố. Với sự khẩn trương vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình cao của người dân, đến nay các gói thầu xây lắp thuộc giai đoạn 1 (30% của dự án) như hạng mục kênh TH 5, kênh Nhị Phước, kênh Chà Là, nhà vệ sinh công cộng và trường học, Khu tái định cư Phan Đăng Lưu, Hẻm 150 thuộc đường 21 Tháng 8 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo nên cảnh quan thành phố thêm khang trang, sạch đẹp, văn minh, hiện đại. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về điều kiện thi công do chủ yếu là vùng có kết cấu nền đất yếu, sình lầy, đi qua khu vực đông dân cư, nhưng các đơn vị thi công đã dồn lực, có giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn, huy động phương tiện, nhân lực tranh thủ mọi thời gian để thực hiện dự án theo hình thức cuốn chiếu - thu hồi đất đến đâu triển khai thi công đến đó với yêu cầu sớm hoàn trả mặt bằng để người dân ổn định sinh hoạt, sản xuất, đi lại an toàn, thuận lợi.

Theo Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện dự án ODA ngành nước, trong điều kiện hiện nay, đa số mặt bằng dự án đã được bàn giao là điều kiện tích cực để các nhà thầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ. Cụ thể như dự án tuyến cống thoát nước, thu gom rác, trạm bơm và cải tạo công trình nhà máy sử dụng nước thải đã có đủ 100% mặt bằng; kênh Tấn Tài, Nhị Phước, Chà Là đã giải phóng mặt bằng đạt trên 94%; hồ điều hòa trung tâm và đường Huỳnh Thúc Kháng cũng đã giải phóng mặt bằng đạt trên 70%... Với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo UBND tỉnh và sự nỗ lực cao của đơn vị chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư công, dự án đang triển khai hết sức khẩn trương, kết quả giải ngân đến nay đạt trên 75% vốn kế hoạch giao, riêng vốn đối ứng đạt 100% và vốn nước ngoài đạt trên 65,5% kế hoạch.

Công trình hồ Sông Than được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Dự án hồ chứa nước Sông Than, là công trình trọng điểm được triển khai từ năm 2017, tuy nhiên do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu không đảm bảo, việc chuyển đổi đất rừng gặp nhiều khó khăn; nhất là đơn vị nhà thầu thi công năng lực còn hạn chế đã làm dự án có thời điểm bị đình trệ. Hiện nay, với quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thực hiện bằng được công trình nhằm mục tiêu cung cấp nước sản xuất cho 400 ha vùng hạ du và đảm bảo nước sinh hoạt ổn định đời sống cho hơn 20.000 hộ dân, chủ động điều tiết nước ứng phó hạn hán cho khu vực phía Nam của tỉnh, đơn vị chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã thay thế nhà thầu mới có đủ năng lực để tiếp tục đảm nhận thi công phần việc còn lại của dự án. Do đó hiện nay các mũi thi công đang dồn sức làm việc liên tục 3 ca để bù tiến độ, sớm đưa công trình hoàn thành, đảm bảo mục tiêu của dự án vừa tranh thủ tối đa nguồn vốn đã được trung ương phân bổ. Theo đại diện đơn vị nhà thầu thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây lắp 368: Với sự vào cuộc tính cực, khẩn trương, đến nay các hạng mục chính như: Đập bê tông nhánh trái, đập đất nhánh phải và 2 đập phụ đã cơ bản hoàn thành với khối lượng công việc đạt trên 71%; công tác giải ngân nguồn vốn đạt trên 927,75 tỷ đồng, tương đương 92,6% kế hoạch vốn giao. Hiện nay, khối lượng công việc còn lại và nguồn vốn 73,5 tỷ đồng chuyển tiếp từ năm 2018 chưa giải ngân tỉnh đang kiến nghị trung ương cho phép kéo dài sang năm 2023 để có cơ sở tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng trong năm nay.

Đướng cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh, khi hoàn thành góp phần
thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Ảnh: X.Bính.

Có mặt trên công trình trọng điểm thuộc dự án đường nối thị trấn Tân Sơn huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) chúng tôi ghi nhận không khí lao động sản xuất rất khẩn trương của đội ngũ cán bộ kỹ sư, công nhân. Mặc dù mới được bàn giao mặt bằng từ cuối năm 2021, triển khai thi công đầu năm 2022 với khối lượng công việc và quy mô dự án có tổng chiều dài 62,5 km, nhưng các đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thành các hạng mục: Bóc phong hóa, san ủi nền, lắp đặt các cấu kiện bê tông, hệ thống kỹ thuật, rải thảm bê tông nhựa... đều vượt kế hoạch tiến độ đề ra. Trong đó, có 45,4 km địa phận huyện Ninh Sơn thuộc dự án thành phần 1 đã đạt khối lượng công việc trên 90%, đủ điều kiện để phấn đấu đưa dự án hoàn thành vào tháng 6/2023, vượt tiến độ 6 tháng. Đối với dự án thành phần 2, khoảng 17,1 km thuộc địa phận huyện Đức Trọng, hiện nay đã cơ bản hoàn thành công tác đấu thầu chọn đơn vị thi công; đang tiến hành kiểm kê đền bù đối với 37 hộ dân, đánh giá tác động môi trường và chuyển đổi diện tích đất rừng để kịp triển khai trong năm 2023, dự kiến công trình giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào năm 2025. Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Sau khi hoàn thành 2 hợp phần dự án, công trình trọng điểm này sẽ tạo kết nối giao thông liên vùng Lâm Đồng- Ninh Thuận - Khánh Hòa; đặc biệt trong tương lai sẽ kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam và các tuyến Quốc lộ 20, Quốc lộ 27, Quốc lộ 1 và đường vành đai tỉnh, tạo thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa, mở ra cơ hội phát triển cho những vùng đất giàu tiềm năng, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương.

Với việc đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các công trình trọng điểm vào sử dụng sẽ góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của quê hương Ninh Thuận trong thời gian tới.