Khu công nghiệp Du Long (Thuận Bắc). Ảnh: Duy Anh
Ninh Thuận có vị trí quan trọng nằm trên ngã ba nối liền vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư hiệu quả, tỉnh ta đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu, CCN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm 4 khu công nghiệp (KCN) và 7 CCN với tổng diện tích trên 1.830 ha. Trong đó, có 3 KCN đã được thành lập, gồm: KCN Thành Hải, Du Long, Phước Nam; đối với KCN Cà Ná đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Về CCN, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 CCN được thành lập với tổng diện tích 163,76 ha gồm: CCN Tháp Chàm, CCN Quảng Sơn, CCN Phước Tiến và CCN Hiếu Thiện.
Được thành lập năm 2015, KCN Thành Hải hiện là KCN có tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp cao nhất, đạt 100%. KCN có quy mô diện tích 77,987 ha, với vị trí nằm ven Quốc lộ 1 thuộc địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Với những điều kiện thuận lợi, KCN đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư thứ cấp với 18 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 2.337 tỷ đồng. Bên cạnh KCN Thành Hải đã phát huy hiệu quả đầu tư, trong năm 2022, các KCN Phước Nam, Du Long cũng đã có bước chuyển mình tích cực sau nhiều năm đầu tư ì ạch gây lãng phí tài nguyên đất đai. Với diện tích 407,28 ha, KCN Du Long hiện là KCN có quy mô lớn nhất tỉnh. Sau 14 năm chỉ “nằm trên giấy”, từ cuối năm 2021, dự án KCN Du Long đã đổi chủ mới. Qua hơn 1 năm tiếp nhận, với nỗ lực và quyết tâm cao, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục đầu tư theo cam kết, tạo diện mạo mới cho KCN. Hiện nay, KCN cũng đã đón những nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên đến xây dựng nhà máy, ghi nhận sự chuyển mình tích cực của KCN trọng điểm phía Bắc của tỉnh. Tín hiệu vui khi trong năm 2022, có 2 khu nhà xưởng lớn thuộc Dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH Innoflow Ninh Thuận đã được gấp rút xây dựng trên diện tích 4,74 ha, là nhà máy đầu tiên được xây dựng trong KCN Du Long đã được đưa vào sử dụng. Nhà máy có quy mô công suất 6 triệu sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động địa phương. Ông Kim Jin Man, Giám đốc giám sát Công ty TNHH Innoflow Ninh Thuận, cho biết: Khu KCN Du Long hiện nay có cơ sở hạ tầng giao thông, quy hoạch, trạm xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu của chúng tôi. KCN này nằm cạnh Quốc lộ 1 rất thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên vật liệu nhập khẩu từ cảng về nhà máy và hàng hóa xuất khẩu từ nhà máy ra cảng. Do đó chúng tôi đang tiếp tục đầu tư mở rộng nhằm sớm ổn định sản xuất, phát huy thế mạnh về nhân lực, điều kiện cơ sở hạ tầng của địa phương.
Công nhân Công ty TNHH Innoflow NT tại Khu công nghiệp Du Long
(Thuận Bắc) vào ca sản xuất.
Tái khởi động thi công từ đầu năm 2022, KCN Du Long với 2 phân kỳ đầu tư, trong đó phân kỳ 1 có diện tích trên 310 ha thực hiện đến ngày 30/6/2023. Phân kỳ 2 diện tích 97,23 ha thực hiện từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2023. Đến nay, chủ đầu tư đã san gạt mặt bằng 206 ha, hoàn chỉnh giao thông nội khu bao gồm 3 tuyến đường chính và hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến. Từ đầu tháng 11/2022, chủ đầu tư triển khai cho 7 nhà thầu tiến hành thi công những hạng mục còn lại trong phân kỳ I, với quyết tâm hoàn thành toàn bộ giai đoạn 1 của dự án đúng thời gian cam kết với tỉnh.
Tương tự, KCN Phước Nam cũng đã được chuyển giao cho nhà đầu tư mới từ cuối năm 2021, sau hơn 11 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu. Ngay sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý về đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư Phước Nam - Ninh Thuận đã triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước. Đến nay, KCN có quy mô diện tích 370 ha này đã được đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 với diện tích 151 ha, đạt khoảng 70% khối lượng. Chủ đầu tư đang tập trung nguồn lực tiếp tục thi công san gạt mặt bằng và các hạng mục còn lại gồm nhà máy xử lý nước thải tập trung, vỉa hè, cây xanh. Với vị trí đắc địa, được kết nối với nhiều trục giao thông quan trọng như đường sắt, Quốc lộ 1 và cảng tổng hợp Cà Ná, bước đầu KCN đã thu hút 12 nhà đầu tư thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 18,6% diện tích đất công nghiệp giai đoạn 1.
Đối với các dự án CCN Tháp Chàm và CCN Quảng Sơn được đầu tư bằng vốn ngân sách. Trong đó, CCN Tháp Chàm đã hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2015 với tỷ lệ lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, dịch vụ. Đối với CCN Quảng Sơn, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, dự kiến hoàn thành dự án đầu năm 2023. Đối với các dự án do tư nhân đầu tư như: CCN Phước Tiến đang được chủ đầu tư tiến hành lập phương án bồi thường, thu hồi đất và giao đất, dự kiến khởi công dự án trong quý II/2023. CCN Hiếu Thiện cũng đang được lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dây chuyền chế biến nha đam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt tại Khu công nghiệp Thành Hải
(Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Uyên Thu
Đồng chí Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Việc các KCN, CCN được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động không chỉ tạo động lực cho ngành Công nghiệp phát triển mà còn tạo nhiều việc làm trong các nhà máy, giúp người dân Ninh Thuận có việc làm ổn định ngay tại quê hương, không phải tìm kiếm cơ hội việc làm ở những địa phương khác.
Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong số 31 dự án đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh, có 20 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tập trung vào các ngành chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản, nông sản xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc và một số công nghiệp nhẹ khác, giải quyết việc làm cho hơn 3.380 lao động tại địa phương. Trong điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực của các doanh nghiệp, nhìn chung, doanh thu và kim ngạch xuất khẩu của các nhà đầu tư trong KCN đều tăng so với trước. Năm 2022 tổng doanh thu đạt 4.577 tỷ đồng (tăng 25% so với năm 2021); nộp ngân sách 407,3 tỷ đồng (tăng 120%), chiếm 11,66% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Nhằm phát huy hiệu quả các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng đẩy mạnh công tác triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các KCN, CCN; hỗ trợ các doanh nghiệp thứ cấp triển khai dự án theo đúng tiến độ.
Mai Phương