Ninh Sơn: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Xác định sản xuất nông nghiệp (NN) công nghệ cao (CNC) là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2020-2025, huyện Ninh Sơn đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu NN theo hướng gia tăng giá trị, ổn định tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng đến về đích huyện nông thôn mới trước năm 2025.

Trang trại hoa lan tại thôn Lâm Bình, xã Lâm Sơn được đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: V.M

Tạo đột phá từ chính sách

Để phát triển NN ứng dụng CNC, NN sạch; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường..., thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Ninh Sơn đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để thực hiện. Trong đó, Nghị quyết số 06-NQ/HU về tổ chức lại sản xuất ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020, và Nghị quyết số 05-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh phát triển NN ứng dụng CNC gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giai đoạn 2021-2025 với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi. Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa có chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để hướng đến xây dựng quy trình sản xuất đạt quy chuẩn quy định được thực hiện bài bản; hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết các hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc liên kết làm đầu mối cho doanh nghiệp (DN) trong tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị sản xuất... thực hiện đúng lộ trình. Cùng với đó, hạ tầng giao thông được huyện đầu tư đồng bộ, đã tạo điều kiện cho phát triển ngành NN của địa phương.

Anh Nguyễn Văn Thứ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần (CP) Thực phẩm G.C cho biết: Khi đầu tư vào huyện Ninh Sơn, DN nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương. Chính vì vậy, sau một thời gian ngắn hoạt động, Công ty CP Nắng và Gió, thuộc Công ty CP Thực phẩm G.C (xã Mỹ Sơn) đã mở rộng diện tích trên 50 ha, sản xuất các sản phẩm: Nha đam, nho, táo, dưa lưới theo mô hình CNC. Ðến nay, đơn vị đã tuyển dụng hàng trăm lao động tại chỗ với mức thu nhập bình quân hằng tháng trên 7 triệu đồng; từ những lao động phổ thông, qua đào tạo miễn phí, nhiều người trong số họ trở thành cán bộ, kỹ thuật có tay nghề. Bên cạnh đó, đơn vị bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân trong vùng, giúp nông dân ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập.

Mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Ninh Sơn. Ảnh: CTV

Là DN đến từ TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Công ty CP Thảo dược LKVN (xã Quảng Sơn) cho biết: Được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, sau hơn một năm triển khai, hiện công ty đã phát triển ổn định chuỗi ngành hàng dược liệu có giá trị kinh tế cao, gắn điện năng lượng mặt trời, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên diện tích 3 ha. Với kế hoạch mở rộng sản xuất, chế biến lên trên 30 ha, công ty đang tìm kiếm quỹ đất và đối tác thực hiện chuỗi liên kết. Trong đó, cam kết cung cấp tín dụng, cung ứng vật tư, máy móc, tư vấn kỹ thuật cho nông hộ thực hiện.

Gia tăng giá trị nông sản

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Ninh Sơn có hơn 20 cơ sở sản xuất ứng dụng CNC trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi với tổng diện tích trên 200 ha; cho hiệu quả kinh tế trên 1 ha đạt 612,8 triệu đồng, tăng 7,6 lần so với sản xuất truyền thống. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến được áp dụng vào sản xuất như: Sản xuất trong nhà màng, nhà kín gắn với công nghệ tưới tiết kiệm nước, trồng cây trên giá thể, thủy canh, nuôi cấy mô trong sản xuất hoa; công nghệ lai tạo giống trong chăn nuôi, nuôi vỗ béo bò, dê, cừu bằng phương pháp ủ chua thức ăn; xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường bằng công nghệ khí sinh học; sử dụng các chế phẩm vi sinh trong công nghệ xử lý đệm lót sinh học...

Sản phẩm của Công ty CP Thảo dược LKVN (xã Quảng Sơn) được thị trường đón nhận,
mở ra cơ hội liên kết giữa doanh nghiệp và các nông hộ trong vùng.

Lãnh đạo UBND huyện Ninh Sơn, cho biết: Thời gian qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển sản xuất NN áp dụng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng CNC gắn với giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh như: Thiếu đất sản xuất, việc làm, thu nhập, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Theo đó, tổng diện tích chuyển đổi từ năm 2016 đến 2020 trên địa bàn huyện là 1.739,42 ha; phấn đấu đến năm 2025, chuyển đổi từ 1.000-1.500 ha đất sản xuất mía, mì kém hiệu quả sang cây ăn quả, nha đam, cây hằng năm khác và chăn nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Thực hiện chuyển đổi cây trồng, địa phương cũng xây dựng kế hoạch hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn có quy mô và diện tích phù hợp. Phấn đấu đến năm 2025 có từ 5-7% diện tích sản xuất NN theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Để giải bài toán cho các nhà đầu tư cũng như gia tăng số lượng, chất lượng các dự án đầu tư vào NN, nông thôn, huyện Ninh Sơn đang đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai và thực hiện xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đây đến cuối năm, huyện sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; đồng hành và tháo gỡ vướng mắc cho DN đầu tư, nhất là trong lĩnh vực NN CNC, công nghệ số, công nghệ hữu cơ. Đồng thời, trên cơ sở Đề án vùng sản xuất tập trung và Đề án vùng sản xuất hệ thống thủy lợi Tân Mỹ trên địa bàn huyện, huyện định hướng về mặt hàng nông sản chủ lực có thế mạnh, tiềm năng sử dụng đất, nước ở từng vùng để các DN lựa chọn đầu tư.