Sức bật của “ngành công nghiệp không khói"

Sau 31 năm tái lập tỉnh, từ chỗ gần như không có gì về cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch (DL) cũng như sản phẩm DL, đến nay, DL Ninh Thuận đã có những bước phát triển ấn tượng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến hấp dẫn, an toàn của du khách.

Vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải). Ảnh: P.B

Đột phá tăng trưởng

Nhìn lại giai đoạn 1992-2000 có thể nói DL Ninh Thuận chưa có sự phát triển, lượt khách quốc tế và nội địa hằng năm còn rất ít; bước sang giai đoạn 2001-2015 được xem giai đoạn “bứt phá” về tăng trưởng khách DL và thu nhập của ngành DL, hằng năm đạt trên 10%. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2019 ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng về lượt khách và doanh thu DL; trung bình mỗi năm lượt khách tăng bình quân từ 12-18%/năm; riêng trong năm 2019, du khách đến Ninh Thuận đạt 2,35 triệu lượt (tăng 7,3% so với năm 2018); thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch 1.250 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2018, vượt 8,7% kế hoạch). Sau 2 năm ảnh hưởng đại dịch COVID-19, bước sang năm 2022, đánh dấu sự phục hồi và trỗi dậy mạnh mẽ của DL Ninh Thuận. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú ước đạt 2,4 triệu lượt khách, tăng 110,4%, vượt 26,3%; thu nhập xã hội từ hoạt động DL khoảng 1.813 tỷ đồng, tăng 140,4% so cùng kỳ, vượt 29,5% so với kế hoạch đề ra. Hoạt động DL thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân, mang lại nguồn thu không chỉ cho những đối tượng trực tiếp kinh doanh DL mà còn tạo thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương. Thông qua DL, các ngành kinh tế - xã hội (KT-XH) khác cũng phát triển; mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cho các ngành khác, thúc đẩy hoạt động thương mại và mang lại hiệu quả cao.

Có được kết quả trên là nhờ những năm qua tỉnh đã cụ thể hóa và ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh phát triển DL. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý; đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành DL phát triển. Tỉnh dành các ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư trong khung quy định của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động kinh doanh DL, bất động sản DL, khai thác tốt nhất nội lực, xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, khác biệt, với những trải nghiệm thú vị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án DL với tổng vốn đăng ký trên 51.000 tỷ đồng; trong đó có 24 dự án đã đưa vào hoạt động, tổng vốn đăng ký trên 3.974 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở lưu trú DL tiếp tục được phát triển, toàn tỉnh hiện có 205 cơ sở lưu trú với trên 4.529 phòng; trong đó 50% số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên, từng bước tạo ra nhiều diện mạo mới, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng DL bền vững trong tương lai.

Hạ tầng du lịch ngày càng đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Ảnh: TD

Không chỉ các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản DL trong cả nước về Ninh Thuận tìm kiếm cơ hội đầu tư; hầu hết các doanh nghiệp lữ hành DL lớn của Việt Nam đều đưa khách hoặc ký kết với các doanh nghiệp DL địa phương để khai thác, đưa khách trong nước và quốc tế đến với Ninh Thuận. Đồng thời mở rộng, khai thác thêm rất nhiều sản phẩm DL phong phú, đặc sắc, được hình thành từ chính những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nhờ đó, từ một tỉnh không có trên bản đồ DL Việt Nam, đến nay, DL Ninh Thuận đã trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Nam Trung Bộ và cả nước.

Vươn tầm ra biển lớn

Để đưa ngành DL phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 04-NQ/TU trong năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu đón 2,7 triệu lượt khách, doanh thu từ DL đạt khoảng 1.900 tỷ đồng; đến năm 2025 thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành DL đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động toàn tỉnh. Đến năm 2030, Ninh Thuận xác định DL là nền kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, phấn đấu đón 6 triệu lượt du khách, doanh thu đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động toàn tỉnh.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh quy hoạch nhằm phát triển DL bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển DL với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm DL mang đậm bản sắc địa phương; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ninh Thuận tập trung phát triển 4 sản phẩm DL đặc thù gồm: DL nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; DL văn hóa (đặc biệt là Di sản Văn hóa Chăm); nông nghiệp công nghệ cao; DL sinh thái gắn với Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Cùng với đó, tỉnh phát triển 4 sản phẩm DL mới lạ: Khám phá và vui chơi giải trí cát - muối, săn bắn bán hoang dã, DL trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Tỉnh xây dựng 4 sản phẩm bổ trợ: Du lịch cộng đồng, vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo và thương mại DL. Ninh Thuận tập trung phát triển DL theo không gian, lãnh thổ để khai thác tiềm năng đặc trưng, giàu bản sắc của mỗi vùng.

Du khách tham quan Hang Rái (Ninh Hải). Ảnh: V.M

Ngoài các giải pháp kể trên, tỉnh còn hỗ trợ các doanh nghiệp DL trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ... Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá DL; tăng cường khai thác thị trường DL nội địa, đẩy mạnh thu hút các thị trường DL các nước Đông Nam Á, Nga, Tây Âu, hướng đến mở rộng thị trường khách tại Australia, Trung Đông, Ấn Độ, Bắc Mỹ… Cùng với đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, dành các ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư trong khung quy định của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp đồng hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh DL và bất động sản DL phát triển nhằm khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, đưa DL Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tỷ trọng lớn trong GRDP của nền kinh tế tỉnh nhà trong thời gian đến.