Nông dân Ninh Phước chăm sóc nho. Ảnh: P.B
“Quả ngọt” từ sự đột phá trong cơ cấu giống
Ninh Thuận là “thủ phủ” nho của cả nước, với diện tích canh tác trên 1.000 ha (chiếm 3-3,5% tổng diện tích gieo trồng tỉnh), năng suất đạt 256,8 tạ/ha/vụ, sản lượng dao động từ 25.000-30.000 tấn/năm, giá trị kinh tế cao và có hiệu quả hơn 20 lần so với trồng lúa, chiếm 19-20% tổng giá trị sản xuất trong ngành trồng trọt tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, sản xuất nho của tỉnh gặp nhiều khó khăn, diện tích nho phát triển chưa hết tiềm năng vốn có, thị trường không ổn định,... Nguyên nhân là do sản xuất chưa theo quy hoạch, mối liên kết giữa nông dân và đơn vị thu mua chưa chặt chẽ, đặc biệt là sự đơn điệu trong cơ cấu giống và sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng chưa phong phú và đa dạng. Trong cơ cấu giống sản xuất, toàn tỉnh hiện có 3 giống nho ăn tươi chính: Giống nho Red Cardinal phục tráng (chiếm 64,5% diện tích nho toàn tỉnh) đã tồn tại gần 40 năm, có chất lượng quả thấp; giống NH01-48 (chiếm 33,4%) được đưa vào sản xuất từ năm 1997 và giống nho NH01-152 (chiếm 1,9%) mới được đưa vào sản xuất có chất lượng tốt hơn. Phần nhỏ diện tích còn lại là các giống nho chế biến rượu.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: Để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển diện tích nho tại Ninh Thuận ổn định, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, góp phần hạn chế nho nhập khẩu (4.000-5.000 tấn nho ăn tươi/năm) và tiến tới xuất khẩu, mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh đã lựa chọn các giống nho mới (đặc biệt là các giống nho không hạt, quả dài, to, ngọt) từ tập đoàn giống của tỉnh (Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố và Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản tỉnh), có năng suất, chất lượng cao, màu sắc, hương vị quả đặc trưng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và khả năng kháng một số sinh vật gây hại cao hơn các giống truyền thống, giao Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC). Trước đó, ngành cũng đã xúc tiến, hỗ trợ các hộ nông dân tại các địa phương có diện tích đất thích nghi cao như: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Vinh (Ninh Phước), Nhơn Sơn (Ninh Sơn)..., trồng thử nghiệm các giống nho mới trong nhà màng theo mô hình nông nghiệp CNC như: Nho sữa, mẫu đơn (NH01-212), ngón tay đen, không hạt (NH04-102), nho kẹo (NH01-26), Hạ đen (NH04-195)..., sản phẩm bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng và các chuyên gia, quản lý đầu ngành.
Quy trình sản xuất rượu nho của
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ba Mọi. Ảnh: P.B
Anh Nguyễn Đình Trí, chủ trang trại nho Trí Hà, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) cho biết: Cũng giống như nhiều nhà vườn khác, hơn 20 năm thâm canh cây nho, chúng tôi gặp không ít khó khăn do thời tiết cực đoan, chủ yếu sản xuất dưới hình thức truyền thống, năng suất thấp, chi phí cao, chịu sự cạnh tranh gay gắt ở thị trường trong nước. Để tìm ra hướng phát triển và mở rộng sản xuất, chúng tôi xác định phải thay mới phương thức sản xuất, đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến phù hợp và cạnh tranh bằng chính chất lượng sản phẩm. Sau hơn 3 năm mạnh dạn đầu tư mới đồng bộ từ giống đến công nghệ trồng, bảo quản... Hiện sản phẩm nho tươi ngón tay đen, không hạt; nho sữa (mẫu đơn); nho ngón tay đỏ, hồng nhật và nho xanh của vườn, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Năng suất đạt từ 15-20 tấn/ha, giá bán dao động 100.000-300.000 đồng/kg; có thời điểm, nho ngón tay đen, không hạt và nho sữa lên trên 350.000 đồng/kg; giá trị cao gấp nhiều lần so với giống truyền thống.
Khách hàng tham quan mua sắm sản phẩm nho
tại trang trại nho Ba Mọi. Ảnh: V.M
Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trong điều kiện hàng hóa nông sản bấp bênh về giá, quyết định đến sự sống còn của người trồng nho, việc triển khai và nhân rộng các giống nho mới được người trồng nho trên địa bàn tỉnh đồng tình ủng hộ cao. Ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, gia tăng giá trị sản xuất, thu nhập, hướng đến xuất khẩu là mục tiêu mà các nhà vườn, hợp tác xã, tổ hợp tác theo đuổi; nhiều hộ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới GlobalGAP, sản xuất an toàn sinh học, hữu cơ... Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu tại các thị trường khó tính cũng không phải dễ dàng, bên cạnh chất lượng sản phẩm, cả người trồng, doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy trình, quy định của đối tác.
Hướng đến nâng cao giá trị cây nho
Để thương hiệu nho Ninh Thuận vươn xa, gặt hái thêm nhiều thành công, ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi, khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn tận tình cho nông dân, doanh nghiệp, mà “bệ đỡ” chính là Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030; được hiện thực hóa tại Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030 và sắp tới đây là Đề án phát triển cây nho không hạt (quả dài, to, ngọt) tại tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Người tiêu dùng mua sản phẩm từ nho
tại Cơ sở Sản xuất và kinh doanh Thiên Thảo. Ảnh: Văn Nỷ
Đồng chí Đặng Kim Cương cho biết thêm, sau hội nghị chuyên đề đánh giá thực trạng sản xuất và tiêu thụ nông sản hướng đến xuất khẩu, ngành xác định được các cơ hội, thách thức về thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu nho, đề ra định hướng phát triển năm 2023 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó chỉ đạo phát triển các vùng nho giống mới tập trung với quy mô lớn, chuyên canh,... để công tác chuyển giao công nghệ và đầu tư kỹ thuật được thuận lợi, hiệu quả cao. Cùng với đó sẽ triển khai các kế hoạch hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nho làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân. Phối hợp với các đơn vị liên quan, tạo điều kiện cho người trồng nho được vay vốn với lãi suất ưu đãi, thời gian vay phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây nho cũng như các hoạt động sản xuất, chế biến liên quan đến các giống nho mới có chất lượng cao. Đào tạo, nâng cao năng lực chủ cơ sở sản xuất nông nghiệp quy mô lớn về quản trị và tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho nho gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng theo chuỗi giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm thông qua thông tin, dự báo kịp thời về biến động của thị trường nho; chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát tiếp cận thị trường mới nổi và các nước khác thông qua hỗ trợ tham gia các hội chợ; tìm kiếm và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng tham gia đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến các sản phẩm từ nho được ngân sách tỉnh hỗ trợ 60-70% chi phí đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị. Phấn đấu đến năm 2025 đưa ra sản xuất diện rộng 1-2 giống nho mới không hạt và nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng tập trung và thâm canh đạt 20-30% diện tích trồng nho trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ xuất khẩu.
Xuân Nguyên