Ông Đàng Chí Quyết giữ nghề gốm Bàu Trúc

Ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), ông Đàng Chí Quyết được chính quyền và người dân chọn là người có uy tín tâm huyết gìn giữ và phát triển nghề làm gốm truyền thống của làng Chăm Bàu Trúc.

Ông tích cực vận động bà con đoàn kết xây dựng làng nghề ngày càng phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm bền, đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần đưa nghề làm gốm của làng Chăm Bàu Trúc phát triển lên tầm cao mới.

Ông Đàng Chí Quyết tâm huyết gìn giữ nghề làm gốm Bàu Trúc.

Đến làng gốm Bàu Trúc, chúng tôi gặp ông Đàng Chí Quyết đang cùng với các nghệ nhân khẩn trương tập dượt chương trình tái hiện nghệ thuật làm gốm của người Chăm Bàu Trúc chuẩn bị tham gia Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra tại Lễ hội Đền Hùng năm 2023. Ninh Thuận là một trong những tỉnh sở hữu DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận tham gia liên hoan. Đoàn nghệ nhân làng Bàu Trúc có 16 người tái hiện nghi thức cúng mở cửa đền tổ nghề gốm, múa quạt truyền thống, hát múa ca khúc "Làng Chăm ơn Bác", "Tình làng gốm", biểu diễn nặn gốm. Ông Đàng Chí Quyết, cho biết: Khu phố Bàu Trúc hiện có 669 hộ với 3.325 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất gốm, mua bán nhỏ lẻ. Bà con rất phấn khởi khi được tham gia liên hoan trình diễn nghệ thuật làm gốm tại Lễ hội Đền Hùng năm 2023.

Đầu năm 2006, ông Đàng Chí Quyết được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc. Ông nhận thấy hầu hết phụ nữ trong làng đều biết làm gốm, nhưng nhiều người không còn tha thiết với nghề do sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Trước thực trạng đó, ông thường xuyên vận động bà con chung tay bảo tồn và phát triển làng nghề, gìn giữ DSVH cộng đồng. Là người am hiểu truyền thống quê hương, ông Đàng Chí Quyết phối hợp cung cấp thông tin cho các nhà khoa học xây dựng hồ sơ trình UNESCO chấp thuận đưa nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh mục DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển nghề làm gốm làng Bàu Trúc được thế giới ghi nhận, vinh danh.

Phát huy vai trò của người có uy tín, Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc, ông Đàng Chí Quyết tiếp tục vận động người dân làng nghề phát huy giá trị văn hóa của nghề chế tác gốm Chăm, đầu tư nâng cao giá trị thương hiệu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng Bàu Trúc trở thành điểm đến thu hút du khách trải nghiệm di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm kết hợp du lịch sinh thái gắn kết với phát triển tuyến du lịch của huyện Ninh Phước.