Tín ngưỡng dân tộc độc đáo, trường tồn
Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc - đó là “sợi chỉ đỏ” tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và dân tộc. Với ý nghĩa đó, cộng đồng người Việt tự nguyện giữ gìn và phát triển Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương một cách tự nhiên, không khiên cưỡng. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng phát biểu trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1969: “Từ lòng biết ơn đến tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên, gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa, tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng thờ một Tổ tiên chung của toàn dân tộc: Các Vua Hùng”.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ vùng đất cổ Phú Thọ, rồi lan tỏa ra phạm vi cả nước. Việc thờ cúng Hùng Vương bắt đầu từ sự ra đời của các ngôi đền thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh của những cư dân địa phương xung quanh khu vực Đền Hùng. Những ngôi đền như đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng ra đời gắn với quá trình phát triển của các làng xã dưới chân núi...
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - tâm điểm của thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những hoạt động lễ - hội diễn ra trang nghiêm, thành kính tại các ngôi đền trên núi Hùng và các di tích thờ Hùng Vương ở trong tỉnh Phú Thọ, thu hút hàng triệu đồng bào cả nước, kiều bào tham gia dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm.
Ngoài vùng Đất Tổ, để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng, các địa phương trong cả nước đều có điểm thờ Hùng Vương như tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang… Vào ngày mùng 10/3 âm lịch hàng năm, các tỉnh, thành phố đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm theo hướng dẫn chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một cách trang trọng, thành kính, thể hiện sự tri ân, công đức tổ tiên của thế hệ con cháu với công lao dựng nước của các Vua Hùng.
Không chỉ trong nước mà tại nhiều quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng lập đền thờ các Vua Hùng như tại Califonia (Hoa Kỳ), Canada, Australia… hoặc các điểm thờ tự có đặt ban thờ, bài vị và tượng Hùng Vương để kiều bào cùng tổ chức lễ dâng hương, nhớ về nguồn cội, tổ tiên trong ngày Quốc lễ như ở Lào, Nga, Séc…
Có thể thấy, việc thờ cúng các Vua Hùng đã ăn sâu, lan tỏa rộng khắp, nơi đâu có người Việt sinh sống là có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - thờ các Vua Hùng. Những không gian Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ấy chính là sự hồi cố về quá khứ, về lịch sử, là những bằng chứng sinh động, đầy sức thuyết phục về sự bảo lưu và phát triển của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt.
Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng chính là sự khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Đó chính là hành trang tinh thần vô giá của cả dân tộc trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước cũng như quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, hiện nay, trên cả nước đã xây dựng 1.417 di tích thờ cúng các Vua Hùng và vợ con, tướng lĩnh thời Hùng Vương; tổ chức Giỗ Tổ hàng năm để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Đây là một minh chứng khẳng định Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa độc đáo, trường tồn cùng lịch sử dân tộc; đồng thời cũng là dịp quan trọng để chúng ta giới thiệu ra thế giới một di sản đã thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của mỗi người dân Việt Nam.
Ngày 6/12/2012, tại Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Liên chính phủ bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam cũng như tỉnh Phú Thọ.
Việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng Tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng quốc tế thừa nhận sự tương đồng trong tín ngưỡng của các dân tộc trên thế giới, đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng bản sắc của văn hóa của người Việt.
Điểm hội tụ tâm linh và tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa độc đáo và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 được tỉnh Phú Thọ chuẩn bị kỹ lưỡng đảm bảo phần lễ trang nghiêm, trọng thể, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc. Các hoạt động phần hội được tổ chức vui tươi, lành mạnh gắn kết chặt chẽ với du lịch, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị của di sản văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ.
Theo Ban Tổ chức, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 có nhiều hoạt động giới thiệu và quảng bá đậm nét các di sản văn hóa của tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là hai Di sản Văn hóa đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ, để người dân thêm hiểu về những giá trị văn hóa độc đáo này.
Trong những ngày diễn ra Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, tỉnh Phú Thọ tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; Lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương Tổ mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; Lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức…
Tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì, trong các ngày 21 - 29/4 (ngày 2 - 10/3 âm lịch), nhiều hoạt động thể thao, văn hóa liên tục diễn ra như: Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 và Tuần lễ Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì; Hội thảo quốc tế Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam…
Tiết mục nghệ thuật chào mừng trong đêm khai mạc Lễ hội Đền Hùng và kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 của UNESCO. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Đến với Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, du khách còn được tham gia các hoạt động sôi nổi như: Giải bơi chải và trình diễn ván chèo đứng tại hồ Công viên Văn Lang; Giải Bóng đá Cúp Hùng Vương tại Sân vận động Việt Trì; Giải Bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương tại thành phố Việt Trì…
Du khách được tham dự nhiều sự kiện với những trải nghiệm độc đáo như: Liên hoan trình diễn các Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; Hội chợ Du lịch Tây Bắc năm 2023 và Liên hoan Văn hóa ẩm thực Đất Tổ; Hội chợ Triển lãm thương mại công thương vùng Đông Bắc và các Hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trình diễn đâm đuống, đánh trống đồng; Triển lãm “Di sản Văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam”; biểu diễn múa rối nước phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương; trình diễn trang phục áo dài và xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam; thi đấu các môn thể thao truyền thống phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương…
Phát biểu tại Lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ 2023 và kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 của UNESCO và Liên hoan Di sản Văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO ghi danh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn và khát vọng thống nhất, minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc Việt Nam, gắn liền truyền thống nông nghiệp lúa nước, ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam. Với ý nghĩa đó, cùng với 14 giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là Di sản phi vật thể của nhân loại.
Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” là nơi hội tụ của các tinh hoa di sản văn hóa của mọi miền Tổ quốc, sẽ mang đến cho du khách và nhân dân hành hương về với cội nguồn đất Tổ những trải nghiệm sâu sắc, để hiểu thêm, yêu hơn và càng tự hào về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Đặc biệt, Lễ hội là dịp nhìn lại chặng đường 20 năm Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong triển khai các Chương trình hành động về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể. Các Di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục được bảo tồn và lan tỏa hệ giá trị bản sắc, nhân văn; góp phần đưa văn hiến Việt Nam cùng tỏa sáng trong dòng chảy văn minh của thế giới.
Theo đại diện Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, sau hơn 10 năm UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã tăng cường đầu tư bảo tồn, tu bổ nhiều di tích Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn. Đến nay, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được đầu tư khang trang với các khu chức năng như: Rừng Quốc gia Đền Hùng, Khu trung tâm lễ hội, Khu tháp Hùng Vương, Làng Du lịch văn hóa Hùng Vương, Khu Nhà văn hóa Hùng Vương, khu trồng cây lưu niệm phía Bắc và phía Nam… Việc tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và hoạt động văn hóa, du lịch nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, khẳng định giá trị to lớn của hai Di sản Văn hóa thế giới là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ.
Bà Phạm Thị Phương Anh, du khách đến từ Thủ đô Hà Nội cho biết, sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm nay, bà có dịp trở lại Đền Hùng, thành tâm thắp nén hương thơm, kính mong các bậc tiên tổ phù hộ cho toàn thể gia đình mạnh khỏe, an khang. Tham dự Lễ khai mạc và sự kiện xác lập kỷ lục có số người mặc áo dài đông nhất Việt Nam với 3.739 người, bà rất ấn tượng về khâu tổ chức cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự của tỉnh Phú Thọ, qua đó tạo dựng hình ảnh đẹp về mảnh đất cũng như con người vùng Đất Tổ Vua Hùng trong lòng du khách gần xa.
Theo TTXVN/Báo Tin tức