Phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao

Nhằm phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra mục tiêu, đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở GDNN, với khoảng 380 nhà giáo. Trong đó, có 2 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 9 trung tâm GDNN và 9 cơ sở khác có tham gia GDNN. Quy mô đào tạo mỗi năm trên 9.000 người; trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng 1.200 người và đào tạo sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng trên 7.800 người. Về ngành nghề đào tạo, bình quân hằng năm đào tạo công nghiệp và xây dựng đạt 2.250 lượt người, chiếm 25%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.420 lượt người, chiếm 38%; dịch vụ đạt 3.330 lượt người, chiếm 37%. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 22 cơ sở GDNN, với khoảng 400 nhà giáo. Trong đó, có 2 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 9 trung tâm GDNN và có 10 cơ sở tham gia dạy nghề. Quy mô đào tạo trên 9.500 người/năm; trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng 1.500 người, đào tạo sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng trên 8.000 người. Các ngành nghề đào tạo bình quân hằng năm, gồm: Công nghiệp và xây dựng đạt 2.660 lượt người, chiếm 28%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.325 lượt người, chiếm 35%; dịch vụ đạt 3.515 lượt người, chiếm 37%. Tầm nhìn đến năm 2045, GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển về GDNN trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận tìm hiểu mô hình bơm nước tự động. Ảnh: V.Nỷ

Để đạt được mục tiêu trên, giải pháp mà tỉnh đề ra đó là, đối với phát triển nguồn nhân lực, trước hết ưu tiên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo. Đẩy mạnh thu hút đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý tại các cơ sở GDNN. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 10 chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy các cấp trình độ của GDNN. Có ít nhất 60% nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia có trình độ thạc sĩ trở lên phù hợp với ngành, nghề giảng dạy và 100% cán bộ quản lý GDNN đạt chuẩn. Đến năm 2030 thu hút 20 chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy các cấp trình độ của GDNN và có ít nhất 70% nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia có trình độ thạc sĩ trở lên phù hợp với ngành, nghề giảng dạy; 100% cán bộ quản lý GDNN đạt chuẩn và có trên 15% có trình độ thạc sĩ trở lên.

Về phát triển cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, tỉnh tập trung rà soát, hoàn thiện chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở GDNN và tham gia hoạt động GDNN. Bố trí quỹ đất để phát triển cơ sở GDNN bảo đảm phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Bảo đảm ổn định diện tích đất của các cơ sở GDNN công lập hiện có, đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa GDNN. Nâng cao hiệu quả và hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, nhất là đối với các cơ sở GDNN công lập trên cơ sở chia sẻ tài nguyên và tối ưu hóa quy trình đào tạo để phát triển mô hình “nhà trường thông minh, hiện đại”, “nhà trường xanh”. Chủ động thực hiện việc rà soát, sắp xếp các cơ sở GDNN theo hướng tiếp tục duy trì, phát triển để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực theo ngành, lĩnh vực hoặc chuyển về địa phương. Rà soát giải thể cơ sở GDNN hoạt động không hiệu quả; duy trì hoạt động các cơ sở GDNN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 80% cơ sở GDNN bảo đảm đủ số lượng và diện tích các công trình; đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế và tiêu chuẩn cơ sở vật chất trong thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm theo ngành, nghề đào tạo. Khoảng 85% ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn thiết bị đào tạo được đầu tư theo hướng hiện đại, thông minh, xanh phù hợp với công nghệ, kỹ thuật của thực tiễn sản xuất. Đến năm 2030 có khoảng 90% cơ sở GDNN bảo đảm đủ số lượng và diện tích các công trình; đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế và tiêu chuẩn cơ sở vật chất trong thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm theo ngành, nghề đào tạo; khoảng 90% ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn thiết bị đào tạo được đầu tư theo hướng hiện đại, thông minh, xanh phù hợp với công nghệ, kỹ thuật của thực tiễn.

Ngoài các giải pháp kể trên, tỉnh còn đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở GDNN, trong đó phát huy vai trò kết nối của các trường cao đẳng thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở GDNN trong nước với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN và thế giới, từng bước tiến tới công nhận kết quả đào tạo giữa các cơ sở GDNN. Tăng cường liên kết giữa cơ sở GDNN với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trên cơ sở tăng cường hiệu quả liên thông dựa trên khung trình độ quốc gia, chuẩn đầu ra quốc gia, phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, lượng hóa giá trị đơn vị học tập, công nhận kết quả học tập theo cả trình độ và đơn vị học tập.

Đặc biệt, để nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý và toàn xã hội về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, tỉnh còn chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông về chủ trương, chính sách, cơ chế, đặc biệt là chủ trương, cơ chế, chính sách xã hội hóa nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư các trường chất lượng cao; đồng thời tập trung nguồn lực cho các cơ sở GDNN tại các vùng đặc biệt khó khăn, cơ sở GDNN đào tạo cho các đối tượng đặc thù. Tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân thông qua hỗ trợ về thuế, ưu đãi vốn vay, hỗ trợ bố trí đất để đầu tư, xây dựng cơ sở GDNN. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ sở GDNN để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm những nội dung đã được quy hoạch.