Trong đó, Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ đối với an ninh nguồn nước do BĐKH khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận” (SACCR- Ninh Thuận) kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cho các nông hộ tiếp cận với các giải pháp thích ứng BĐKH; cải thiện đáng kể cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Dự án SACCR - Ninh Thuận do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) với khoản tài chính 30,2 triệu USD, triển khai tại 5 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, ĐắkLắk và Đắk Nông trong thời gian 5 năm từ 2021 đến 2026. Tại tỉnh ta, dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 945/QĐ-UBND và điều chỉnh tại Quyết định số 842/QĐ-UBND với tổng vốn đầu tư 143,151 tỷ đồng. Phạm vi và đối tượng được GCF thông qua là các nông hộ nhỏ, các hộ nghèo và cận nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ trụ cột gia đình trên địa bàn 15 xã: Mỹ Sơn, Nhơn Sơn (Ninh Sơn); Phước Tân, Phước Thắng, Phước Thành, Phước Trung (Bác Ái); Bắc Phong, Lợi Hải, Bắc Sơn, Phước Chiến, Phước Kháng (Thuận Bắc) và Xuân Hải, Phương Hải, Tri Hải, Nhơn Hải (Ninh Hải), với khoảng 7.073 hộ hưởng lợi từ dự án.
Nhà tài trợ GCF khảo sát điểm trình diễn mô hình canh tác cây bắp nếp địa phương luân canh cây đậu xanh chống chịu với biến đổi khí hậu tại thôn Đồng Dầy, xã Phước Trung (Bác Ái).
Để giải quyết vấn đề thiếu nước, dự án SACCR - Ninh Thuận sẽ thiết lập kết nối cuối cùng từ hạ tầng thủy lợi của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ cấp nước tới mặt ruộng cho 1.577 hộ thông qua việc thiết kế và xây dựng hệ thống đường ống kết nối nguồn nước từ 2 tiểu dự án “Phát triển thủy lợi phục vụ nông nghiệp công nghệ cao Thành Sơn - Phước Nhơn” và “Phát triển thủy lợi phục vụ nông nghiệp công nghệ cao Nhơn Hải - Thanh Hải” bằng đường ống nhựa HDPE; tăng cường tưới tiêu bổ sung cho các nông hộ nhỏ, phụ thuộc nước mưa để đối phó với biến động về lượng mưa và hạn hán thông qua việc xây dựng mới và nâng cấp 357 ao có thiết kế thích ứng với BĐKH; lắp đặt 2.829 hệ thống sử dụng tiết kiệm nước; hỗ trợ đầu tư cho 2.758 hộ dân thông qua các chứng chỉ, phiếu mua hàng về thiết bị tưới tiết kiệm nước... Trong khuôn khổ dự án, các lớp tập huấn sử dụng thiết bị tưới, bảo dưỡng hệ thống, quản lý tài nguyên nước ứng phó với BĐKH; các lớp học thực hành tại đồng ruộng sẽ đào tạo về thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH; nông dân nghèo cũng sẽ được đào tạo về kế hoạch kinh doanh nhỏ, bao gồm hỗ trợ tiếp cận tín dụng và liên kết với thị trường.
Đồng chí Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung (Bác Ái), cho biết: Toàn xã hiện có 721 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, canh tác trên diện tích 1.000 ha, trong đó, trên 50% diện tích đất sản xuất không chủ động được nước tưới, nên thường bị thiệt hại nặng do hạn hán, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Nay được hưởng lợi từ dự án, hơn 426 hộ trên địa bàn xã kỳ vọng các giải pháp tưới sẽ bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ, nhất là nước tưới cho các loại cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy sự chuyển đổi cách thức sản xuất quy mô nông hộ nhỏ từ các biện pháp ngắn hạn, mang tính đối phó sang các biện pháp mang tính tổng hợp, góp phần giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Dự án SACCR - Ninh Thuận không chỉ mang lại hiệu quả lớn với vùng thường xuyên bị khô hạn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất mùa khô, mà quan trọng hơn, giải bài toán nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Đến thời điểm hiện tại, dự án SACCR - Ninh Thuận đã lựa chọn 5.736 hộ hưởng lợi/7.073 hộ; xác định được 159 ao, trong đó: Đã phê duyệt thiết kế 109 ao, hiện đang thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thi công ao; còn 50 ao đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thiết kế trong năm 2023. Đã tập huấn xong 60 lớp FFS về quản lý đất và sinh khối cho 1.486 nông dân tại 5 xã: Mỹ Sơn, Phước Trung, Bắc Sơn, Lợi Hải và Phước Kháng; lựa chọn xong 16 điểm thực hiện mô hình hỗ trợ nông nghiệp chống chịu với biến đổi khí hậu...; đã giải ngân vốn GCF đến ngày 31/1/2023 là 2,386 tỷ đồng (đạt 99,7% vốn thực cấp). Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng như sớm phát huy hiệu quả dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập, kiện toàn Ban Quản lý dự án SACCR - Ninh Thuận, ban hành quy chế làm việc và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên triển khai thực hiện sớm đưa dự án vào hoạt động. Kỳ vọng vào các mục tiêu của dự án sẽ giúp người dân ở những khu vực này, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo được cải thiện đáng kể cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, thích ứng BĐKH.
Xuân Nguyên