Tỉnh ta có tiềm năng phát triển sản xuất giống TS. Tuy nhiên, để nghề sản xuất giống TS phát triển bền vững, thì việc đa dạng hóa đối tượng sản xuất giống và nâng cao chất lượng con giống được xem là yếu tố quan trọng. Do vậy, ngoài việc tập trung phát triển sản xuất tôm giống theo chiều sâu, chất lượng cao, những năm qua ngành Nông nghiệp còn rà soát, lựa chọn các đối tượng giống TS khác có nhiều tiềm năng phát triển để nghiên cứu, sản xuất nhằm đáp ứng đa dạng đối tượng giống TS.
Trên cơ sở định hướng và nhiệm vụ được giao, Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, TS tỉnh (Trung tâm) đã và đang tập trung triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) trên lĩnh vực sản xuất giống TS, mang lại nhiều thành quả như: “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng một số mô hình nuôi TS phù hợp nhằm tạo sinh kế bền vững cho các xã ven Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2016-2019”; Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình ương nuôi giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa”; “Nghiên cứu ứng dụng quy trình sinh sản nhân tạo hàu cửa sông và hàu Thái Bình Dương”. Ngoài ra, Trung tâm còn nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và làm chủ nhiều quy trình công nghệ sản xuất giống cá biển có giá trị kinh tế cao như: Cá bóp, cá mú, cá chim vây vàng, cá hồng Mỹ, cá bè vẫu, cá chẽm,...
Sản xuất giống thủy sản tại xã An Hải (Ninh Phước). Ảnh: H.Lâm
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai thực hiện và làm chủ nhiều công nghệ sản xuất giống TS có tiềm năng phát triển phục vụ nuôi biển, từ đó vừa phát triển nhân rộng quy trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm và vừa tạo ra con giống có chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh. Việc nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều quy trình công nghệ sản xuất giống TS đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu phát triển đa dạng đối tượng sản xuất giống và nuôi thương phẩm, chuyển đổi đối tượng nuôi nhằm phát triển sản xuất theo hướng bền vững gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, việc đa dạng, chuyển đổi đối tượng nuôi ngoài con tôm sang các đối tượng khác thông qua các mô hình như: Mô hình nuôi ốc hương trong ao và trong bể, mô hình nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương, mô hình nuôi cá mú trong ao, mô hình nuôi cá lồng bè trên biển,... đã có tác dụng tích cực trong việc chuyển đổi một phần diện tích nuôi tôm khó khăn, liên tục bị dịch bệnh sang nuôi các đối tượng mới. Ước tính hằng năm, trên địa bàn tỉnh có trên 120 hộ nuôi hàu Thái Bình Dương và gần 300 hộ nuôi cá nước mặn, nước lợ các loại, góp phần không nhỏ về tạo việc làm, tăng thu nhập cho một số hộ dân ven biển.
Song song đó, công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống TS ở quy mô nông hộ cũng được tăng cường nhằm đáp ứng đủ con giống phục vụ nuôi thương phẩm. Đã có nhiều lượt hộ nuôi, cơ sở sản xuất tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm tổ chức cũng như tham quan, học tập kinh nghiệm. Đến nay, thông qua công tác chuyển giao, trên địa bàn tỉnh đã có 1 cơ sở sản xuất cua giống, 4 cơ sở sản xuất giống hàu Thái Bình Dương và 11 cơ sản xuất giống cá biển. Hằng năm, tạo ra một lượng con giống đáng kể không chỉ đủ phục vụ nhu cầu nuôi tại địa phương mà còn cung ứng cho thị trường ngoài tỉnh. Điều này góp phần tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Tuy nhiên, sản xuất giống TS còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu, điều kiện môi trường và mang tính đặc thù riêng. Do vậy, để đáp ứng được nhu cầu người nuôi cũng như sản xuất các giống TS phục vụ chiến lược xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước nói chung và giống TS biển khác nói riêng, trong giai đoạn tới, đòi hỏi công nghệ sản xuất giống phải nâng lên một tầm cao mới, nguồn lực và vật lực cần có sự đầu tư dài hạn, trong đó nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, để phát triển ngành sản xuất giống TS bền vững, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Trung tâm đề ra là xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN đủ mạnh về trình độ, lòng đam mê nghiên cứu khoa học, biết đổi mới, sáng tạo, có sự cống hiến và có khả năng tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Về định hướng lâu dài, Trung tâm sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức, cá nhân liên quan để phát triển tiềm lực KH&CN, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất các đối tượng giống TS để tạo con giống có chất lượng phục vụ nhu cầu đa dạng đối tượng nuôi.
Anh Thi