Tại sao phương Tây không cô lập được Nga?

Phương Tây đã tìm cách cô lập Nga do xung đột ở Ukraine, nhưng quá trình này dường như đang không hiệu quả. Có lẽ ngay cả Mỹ, với cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, sẽ mệt mỏi với cuộc xung đột và có thể phải gây áp lực buộc Ukraine phải nhượng bộ.

Theo tờ New York Times (Mỹ) mới đây, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã tập hợp một liên minh toàn cầu áp đảo: 141 quốc gia ủng hộ một nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) hôm 23/2 kêu gọi Nga rút quân vô điều kiện.

Nhưng trên thực tế, phương Tây chưa bao giờ nhận được sự ủng hộ của phần lớn thế giới. 47 quốc gia khác đã bỏ phiếu trắng, phiếu chống hoặc không tham gia bỏ phiếu, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Rõ ràng là sau một năm xung đột, nhiều quốc gia “trung lập” vẫn duy trì quan hệ kinh tế hoặc ngoại giao với Nga.

Phương Tây đã tìm cách cô lập Nga do xung đột ở Ukraine, nhưng quá trình này dường như đang không hiệu quả. Ảnh: Reuters

Thậm chí một số quốc gia ban đầu phản đối chiến dịch quân sự của Moskva, giờ đây coi xung đột là vấn đề ở khu vực khác và bắt đầu chuyển sang quan điểm trung lập hơn.

Sau một năm xung đột Nga - Ukraine, một thực tế mới đang trở nên rõ ràng hơn: Trong khi liên minh cốt lõi của phương Tây vẫn rất vững chắc, họ chưa bao giờ thuyết phục được phần còn lại của thế giới cô lập Nga.

Thay vì chia thành 2 phe, thế giới đã bị phân mảnh. Một số nước coi xung đột Nga - Ukraine chủ yếu là vấn đề của châu Âu và Mỹ. Thay vì coi đó là một mối đe dọa hiện hữu, các quốc gia này chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ lợi ích của chính họ trong bối cảnh biến động kinh tế và địa chính trị do cuộc xung đột gây ra.

Hôm 23/2, Đại hội đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết khác kêu gọi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, nhưng Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và nhiều quốc gia ở phía Nam bán cầu tiếp tục bỏ phiếu trắng, nhấn mạnh sự trung lập của họ với cuộc xung đột.

Nga vượt qua lệnh trừng phạt

Lúc đầu, các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây được kỳ vọng có thể làm suy yếu khả năng duy trì xung đột của Moskva. Một chiến dịch do Mỹ đứng đầu, với 37 quốc gia, đã làm rung chuyển nền tảng của hệ thống tài chính Nga bằng cách đóng băng dự trữ ngoại tệ và nhắm mục tiêu vào các ngân hàng chính của nước này.

Các biện pháp trừng phạt đã chặn các mặt hàng nhập khẩu chính như phụ tùng cho máy bay và chất bán dẫn cho thiết bị điện tử. Và hàng trăm công ty phương Tây đã ngừng kinh doanh ở Nga.

Nhưng các biện pháp trừng phạt đã không hiệu quả như phương Tây hy vọng. Theo dữ liệu được thu thập bởi Silverado Policy Accelerator, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, một số quốc gia đã lấp đầy khoảng trống, tăng xuất khẩu sang Nga cao hơn nhiều so với mức trước xung đột.

Đặc biệt, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã thay thế nguồn cung trước đây của Nga từ các nhà sản xuất phương Tây. Trung Quốc cũng xuất khẩu nhiều máy móc và chất bán dẫn hơn. Các hàng hóa khác được sản xuất bởi các công ty đa quốc gia không còn có thể xuất khẩu trực tiếp sang Nga, hiện đang chảy qua các quốc gia hậu Xô Viết và có thể xâm nhập vào Nga.

Bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ bán vũ khí cho Ukraine, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã mở cửa cho dòng hàng hóa ngày càng tăng vào Nga, phá vỡ một lỗ hổng trong các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

“Chúng tôi luôn duy trì chính sách cân bằng giữa Ukraine và Nga”, ông Erdogan cho biết vào tháng 9 năm ngoái. Nhìn chung, sau khi có sự suy giảm ban đầu, khối lượng thương mại đã tăng trở lại vì vẫn có nhiều quốc gia sẵn sàng giao dịch với Nga.

Các biện pháp trừng phạt vẫn có thể tác động với Nga trong dài hạn. Chúng làm suy giảm đầu tư nước ngoài và bắt đầu hạn chế nguồn thu ngân sách của Nga. Những hạn chế về giao dịch dầu đã buộc Nga phải cắt giảm sản lượng trong khi việc định hướng lại cơ sở hạ tầng đường ống dẫn khí tự nhiên của Moskva sang châu Á sẽ mất nhiều năm.

Nhưng ngay cả khi nền kinh tế của Nga không tăng trưởng, Moskva vẫn đủ mạnh để duy trì cuộc chiến. Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay, một sự cải thiện rõ rệt so với ước tính trước đó rằng nền kinh tế nước này sẽ giảm 2,3%.

Phương Tây đã tăng cường viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine để đối đầu với Nga. Ảnh: Reuters

Mỹ và các đối tác của họ đã gửi trực tiếp vũ khí và thiết bị quân sự nguy hiểm tới Ukraine. Và họ đã tìm cách cắt đứt nguồn cung thiết bị quân sự của chính Nga bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cấm nhiều công ty bán công nghệ quan trọng cho Nga.

Những vũ khí của phương Tây đã giúp Ukraine gây bất ngờ và góp phần chặn được bước tiến của các lực lượng Nga, nước có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới. Ít nhất 40 quốc gia đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, bằng cách gửi vũ khí tấn công hoặc cung cấp các hình thức viện trợ quân sự khác.

Nhưng nỗ lực tước bỏ thiết bị quân sự của Nga ít thành công hơn khi Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên đã vận chuyển "một số lượng đáng kể" đạn pháo tới Nga và Iran đã cung cấp cho Moskva các máy bay không người lái “cảm tử” để tấn công cơ sở hạ tầng ở Ukraine. Ngoài ra, theo Mỹ, các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, đã tiếp tục cung cấp cho Nga những hàng hóa có công dụng kép như vi mạch để tích hợp vào các thiết bị quân sự.

Xu hướng trung lập

Trong khi đó, trên khắp châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Á và Trung Đông, nhiều chính phủ có quan hệ chính thức chặt chẽ với Mỹ và EU không coi xung đột là mối đe dọa toàn cầu. Thay vào đó, họ đã định vị mình là những người ngoài cuộc hoặc trung lập, duy trì sự linh hoạt nhất có thể.

Ví dụ, phản ứng đối với cuộc xung đột diễn ra trái chiều ở châu Á, nơi có hơn một phần ba các quốc gia từ chối chỉ trích Nga trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên của LHQ. Khi bắt đầu cuộc xung đột, Mỹ kêu gọi Ấn Độ giảm mua dầu từ Nga. Nhưng Washington đã làm dịu đi lập trường của mình khi Ấn Độ liên tục mua hàng, bất chấp mối quan hệ với cả hai bên. Trong bối cảnh nguy cơ căng thẳng gia tăng dọc biên giới Ấn Độ với Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng Ấn Độ có thể không mạo hiểm mối quan hệ với Nga - nguồn cung cấp vũ khí chính của họ.

Ở Trung Đông, các quốc gia Vùng Vịnh ban đầu cũng đã bỏ phiếu cùng với phương Tây về Nga, nhưng kể từ đó họ chủ yếu tìm cách hòa giải và trung lập. Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) Mohamed Bin Zayed đã tới Nga để gặp Tổng thống Vladimir Putin và cho biết ông muốn tìm một giải pháp ngoại giao.

Đặc biệt, Dubai đã trở thành một trung tâm của người Nga - thiên đường của các nhà tài phiệt và giới tinh hoa ủng hộ Điện Kremlin, nơi mà các biện pháp trừng phạt của phương Tây không thể với tới. Bên cạnh đó, Saudi Arabia tuyên bố họ phải theo đuổi lợi ích của mình, ngay cả khi điều này gây xích mích trong mối quan hệ với Mỹ.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thất bại trong việc thuyết phục Brazil chỉ trích Nga. Ảnh: EPA

Ở châu Phi, gần một nửa số quốc gia thuộc châu lục này bỏ phiếu trắng hoặc vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu chỉ trích Nga, cho thấy sự từ chối ngày càng tăng ở nhiều quốc gia trong việc chấp nhận câu chuyện đúng sai của Mỹ. Tại Nam Phi, mối quan hệ với Nga đã được hồi sinh với nền tảng trong quá khứ là Liên Xô đã giúp họ chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc. Các nhà lãnh đạo Nam Phi thấy cơ hội để liên kết chặt chẽ hơn với Nga, đồng thời lấp đầy khoảng trống thương mại do EU và Mỹ để lại.

Châu Mỹ Latinh, với mối quan hệ truyền thống với Mỹ, mặc dù ban đầu nhiều nước bỏ phiếu theo Mỹ để chỉ trích Nga. Nhưng sự thay đổi đã bắt đầu lộ rõ ​​hơn trong những tháng gần đây. Colombia mới đây đã từ chối yêu cầu cung cấp vũ khí cho Ukraine của Mỹ. Khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến thăm Brazil vào tháng trước, Tổng thống Lula da Silva của nước này đã từ chối phát biểu ủng hộ Ukraine.

Sự thống nhất của phương Tây về cuộc xung đột đã được chứng minh với các quốc gia từ lâu được coi là tương đối thân thiện với Nga - như Đức, Pháp và Italy - vẫn trung thành ủng hộ Ukraine. NATO, từng bị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố là “chết não” vào năm 2019, một lần nữa được hồi sinh với mục đích "bảo vệ liên minh phương Tây trước cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga".

Nhưng ngay cả giữa các nước phương Tây, sự thống nhất cũng không được hoàn hảo. Về mặt kỹ thuật, Hungary đã ủng hộ trừng phạt Nga với tư cách là thành viên của EU, nhưng Budapest vẫn cam kết duy trì quan hệ với Moskva và cáo buộc EU kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine. Một số nước khác trong NATO đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhưng từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Tóm lại, khi cuộc xung đột tiếp tục kéo dài, các nước châu Âu có thể sẽ lo lắng về hậu quả của nó với nền kinh tế và chính trị của họ sẽ ngừng ủng hộ các biện pháp trừng phạt và chuyển giao vũ khí. Các quốc gia trên khắp châu Á, Trung Đông và châu Phi vốn đã trung lập trong cuộc xung đột sẽ tiếp tục tăng cường thương mại với Nga. Và có lẽ ngay cả Mỹ, với cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, cũng sẽ mệt mỏi với cuộc xung đột và có thể phải gây áp lực buộc Ukraine phải nhượng bộ.

Theo TTXVN/Báo Tin tức