Tổng thống Putin nêu lý do Nga buộc phải để mắt đến tiềm năng hạt nhân của NATO

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cho biết Moskva buộc phải quay trở lại thảo luận về tiềm năng hạt nhân của Anh và Pháp do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho thấy họ là một khối quân sự chứ không phải là một khối chính trị.

“Trước đây, chúng ta không bàn về họ vì NATO tuyên bố mình là một tổ chức gần như phi quân sự hóa. Họ tuyên bố NATO là một tổ chức chính trị hơn là một khối quân sự. Nhưng chúng ta đã chứng kiến những gì đang xảy ra. Vì vậy, chúng ta buộc phải quay lại cuộc thảo luận về chủ đề này”, nhà lãnh đạo Điện Kremlin trả lời phỏng vấn truyền thông Nga.

Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh Nga không phản đối việc các nước NATO tham gia thảo luận về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars thử nghiệm tại bãi phóng Plesetsk, Nga. Ảnh: AP

"NATO không phải là một bên chính thức tham gia hiệp ước này. Chỉ có hai bên tham gia: Nga và Mỹ. Tuy nhiên, NATO đã đưa ra tuyên bố về và đồng thời gửi đơn xin thảo luận về vấn đề này. Nếu đúng như vậy, chúng tôi không cảm thấy phiền, hãy để họ tham gia thảo luận”, Tổng thống Putin nói.

Khi được hỏi Mỹ nên nhận ra điều gì sau khi Nga đình chỉ tham gia Hiệp ước New START, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng đây không phải là vấn đề.

"Nhận ra được điều gì là quyền của họ, chúng ta không thể nào hiểu được. Cái chính là chúng ta hiểu mình cần phải làm gì. Chúng ta cần giữ gìn đất nước, cũng như đảm bảo an ninh và ổn định chiến lược”, nhà lãnh đạo Nga nêu rõ quan điểm.

Trước đó, vào ngày 21/2, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ ngừng tham gia Hiệp ước New START với Mỹ.

Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga không rút khỏi hiệp ước mà chỉ đình chỉ thực thi văn kiện này. Ông lập luận rằng điều này là do Mỹ và NATO đã tham gia vào cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga và nói thẳng mục tiêu của họ là gây “thất bại chiến lược cho Nga”.

Ông Putin cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng Liên bang Nga và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) phải đảm bảo sẵn sàng cho các vụ thử hạt nhân nếu Mỹ có hành động này trước.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva sẽ tiếp tục tuân thủ hạn chế về số lượng tên lửa có thể được triển khai trong phần còn lại của hiệp ước, vốn sẽ hết hiệu lực vào năm 2026.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh quyết định đình chỉ New START của Nga là có thể đảo ngược ngay khi nhận thấy phương Tây có thiện chí xem xét các mối quan ngại của Nga.

Phản ứng trước quyết định của Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng đó là “một sai lầm” song ông tin người đồng cấp Nga Putin không tính đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo TTXVN/Báo Tin tức