Đặc biệt, Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 đã khẳng định tăng năng suất lao động là vấn đề cấp bách, không thể chậm trễ, bởi tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho tất cả các chủ thể trong nền kinh tế.
Sản xuất linh kiện điện tử tại công ty TNHH 4P (Văn Giang, Hưng Yên) có vốn đầu tư trong nước. Ảnh (tư liệu) minh họa: Phạm Kiên/TTXVN
Thúc đẩy năng suất lao động
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách, chương trình, hoạt động nâng cao năng suất đã được triển khai ở các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Theo đó, các kết quả cải tiến năng suất đã được ghi nhận, năng suất lao động giai đoạn 2016- 2020 đạt tốc độ tăng bình quân 5,88%/năm, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) không ngừng được cải thiện, vượt hơn 45% so với giai đoạn 2011-2015). Mặc dù, Việt Nam đã đạt được một số kết quả trong nâng cao năng suất, song vẫn là nước có mức năng suất lao động thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 thì yếu tố tiên quyết phải là duy trì và tăng trưởng về năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo.
Trong các giai đoạn phát triển trước, đóng góp chủ yếu cho tăng năng suất lao động của Việt Nam là dịch chuyển cơ cấu, lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp có năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn nhưng đây không thể là động lực phát triển bền vững của năng suất lao động bởi thực tế cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu trong tăng trưởng năng suất lao động đã giảm dần trong những năm gần đây. Trong giai đoạn vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung vào phục hồi phát triển kinh tế. Hầu hết lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn sản xuất, chi phí đầu vào gia tăng. Đến hết nửa đầu năm 2022, các hoạt động thương mại mới dần trở lại ổn định, lao động quay trở lại làm việc trong điều kiện bình thường mới.
Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã cho thấy vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt thời gian trong và sau đại dịch. Các doanh nghiệp, tổ chức, người dân đã tận dụng được những công nghệ tiên tiến, tiếp cận những phương thức cải tiến năng suất mới đã thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động. Có thể khẳng định, đổi mới và sáng tạo là sức mạnh mềm, là nguồn lực phát triển quan trọng của mỗi quốc gia. Đây cũng là phẩm chất tuyệt vời mà ngay cả trí tuệ nhân tạo (AI) hoàn hảo nhất cũng không bao giờ đạt được. Đổi mới và sáng tạo được thể hiện qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp cùng với sự phát minh ra cơ chế thị trường đã đem lại cuộc sống, xã hội thịnh vượng mỗi quốc gia.
Thực tế, tại Việt Nam hiện nay, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo là một trong những quyết sách quan trọng nhất của Chính phủ trong thời đại công nghệ số. Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu - GII năm 2022 của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO đã ghi nhận Việt Nam đứng thứ 48/132 nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua và là hình mẫu trong số 50 nền kinh tế có tiến bộ đáng kể nhất trên thế giới.
Cuộc họp về đề án "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động quốc gia" vừa diễn ra đã cho thấy, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với sự phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội mới. Do đó, bên cạnh việc triển khai tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thì việc tạo ra các hệ thống, quy trình, đặc biệt là môi trường xã hội văn minh, công bằng là một trong những bước quan trọng của quá trình đổi mới, hướng tới môi trường cởi mở, tự chủ cho các bản quyền đổi mới và sáng tạo tích cực. Bên cạnh đó, cần xây dựng văn hóa hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo cũng như thay đổi nhận thức rằng đổi mới và sáng tạo luôn liên quan đến đầu tư tốn kém, kỹ thuật phức tạp hay công nghệ mới. Điển hình, tại Nhật Bản, Kaizen là chương trình cải tiến sáng tạo và liên tục đổi mới để nâng cao năng suất lao động, đã có lịch sử hơn 50 năm và được áp dụng rộng rãi trong mọi doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Để thực hiện Kaizen, chỉ cần áp dụng những kỹ thuật thông thường gồm 7 công cụ kiểm soát chất lượng: biểu đồ Pareto, nhân quả, tổ chức, kiểm soát, phân tán, các đồ thị và phiếu kiểm tra.
Trong bối cảnh mới, để doanh nghiệp có thể đổi mới sáng tạo, rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ giỏi về kỹ năng nghề mà cần có các kỹ năng mềm và hiểu biết về các công cụ năng suất, góp phần tạo ra nhiều ý tưởng, công nghệ và thương mại hóa công nghệ.
Thực hiện đồng bộ giải pháp
Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh (tư liệu) minh họa: Tiến Lực/TTXVN
Trước những khó khăn, thách thức trong tình hình mới, Việt Nam cần có sự chuyển đổi mạnh về chiến lược để tăng trưởng năng suất, dựa trên đổi mới sáng tạo và tăng TFP. Điều này chỉ có thể đạt được khi Việt Nam phát triển đồng bộ một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lấy khoa học và công nghệ làm trọng tâm. Có thể khẳng định, việc phát triển hơn nữa nguồn nhân lực có chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất để tăng năng suất và đổi mới sáng tạo. Hiện nay ở Việt Nam, lao động thủ công chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu việc làm trên cả nước, do vậy cần tập trung đầu tư, phát triển nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao
Theo báo cáo, khảo sát tại các doanh nghiệp cho thấy, khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kỹ năng lãnh đạo và quản lý; huy động lao động có kỹ năng kỹ thuật, ngoại ngữ. Ngoài ra, hạn chế trong nhận thức của người lao động về năng suất và đổi mới sáng tạo cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng chậm về năng suất lao động. Chính vì vậy, đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần có sự gắn kết và khuyến khích. Việc liên kết hiệu quả giữa cơ sở đào tạo, trường dạy nghề với các doanh nghiệp là cần thiết để nâng cao đội ngũ lao động chất lượng cao, đúng chuyên ngành; đổi mới phương thức dạy và học, đồng thời đầu tư cho hạ tầng giáo dục, đặc biệt là giáo dục dạy nghề và đại học cũng như công nghệ thông tin và truyền thông.
Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, tỷ lệ đầu tư cho khoa học và công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,44% GDP năm 2021, do đó, cần tăng khả năng hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân.
Thực tế, trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng phần lớn là các doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, tận dụng lao động giá rẻ, chứ chưa tập trung vào các ngành hay các sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó, sự thiếu liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước làm hạn chế khả năng lan tỏa công nghệ và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, cần đưa ra các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để tăng cường chuyển giao công nghệ và tăng khả năng hấp thụ cũng như hiệu ứng lan tỏa công nghệ.
Việt Nam mới chỉ tập trung vào việc tăng cường đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp sản xuất mà chưa quan tâm tới doanh nghiệp dịch vụ, trong khi khu vực dịch vụ phát triển ngày càng mạnh, đóng góp phần lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, việc tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo của khu vực doanh nghiệp dịch vụ cần quan tâm hơn nữa.
Tại Việt Nam, thị trường khoa học và công nghệ đang từng bước phát triển, song các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung cấp các giải pháp chất lượng cao, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp không tiếp cận được với công nghệ tiên tiến, hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ còn hạn chế. Thị trường khoa học và công nghệ đặc biệt là công nghệ số còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đây là vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế. Vì vậy, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho thị trường này phát triển hơn nữa ở Việt Nam. Ngoài ra, việc tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo không phải là vấn đề của một ngành, một lĩnh vực mà là vấn đề mang tính hệ thống, đòi hỏi phải đồng bộ hóa chính sách và thống nhất giữa các ngành, các cấp, giữa trung ương và địa phương để đảm bảo việc nâng cao năng lực thực thi chính sách về năng suất và đổi mới sáng tạo.
Việt Nam đã thành lập Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh với một trong các nhiệm vụ chính là xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường đổi mới sáng tạo và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới sáng tạo không chỉ là tiền đề cho phát triển kinh tế mà còn là chìa khóa cho tăng trưởng năng suất, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu.
Theo TTXVN/Báo Tin tức