Trung tâm Y tế huyện Thuận Nam: Nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Vượt lên những khó khăn về nhân lực, máy móc, trang thiết bị, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Thuận Nam không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Bác sĩ Huỳnh Văn Toại, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Thuận Nam, cho biết: Trung tâm hiện có 4 phòng chức năng, 9 khoa chuyên môn và 8 trạm y tế (TYT) xã, với quy mô 40 giường bệnh. Đội ngũ cán bộ, nhân viên gồm 102 người; trong đó, có 5 bác sĩ chuyên khoa I, 11 bác sĩ đa khoa, 1 bác sĩ dự phòng, 21 điều dưỡng. Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng KCB, Trung tâm đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn giàu y đức và nhiệt huyết như lời Bác Hồ dạy: “Lương y như từ mẫu”. Lãnh đạo Trung tâm đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phong cách, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ y tế. Trên tinh thần đó, mỗi “chiến sĩ áo trắng” tại Trung tâm luôn đoàn kết, xác định rõ nhiệm vụ chữa bệnh cứu người là sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc nên hết lòng tận tụy vì người bệnh, xem bệnh nhân như anh em ruột thịt. Đồng thời, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để cán bộ, nhân viên được tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn hoặc các đợt tập huấn chuyên môn do Bộ Y tế, Sở Y tế tổ chức để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Thuận Nam thăm khám cho bệnh nhân điều trị nội trú.

Bên cạnh đó, Trung tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quá trình quản lý, vận hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến KCB cũng như làm các thủ tục tại Trung tâm. Đơn vị duy trì sử dụng phần mềm quản lý tổng thể giúp tối ưu hóa quy trình KCB nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí; thực hiện lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho bệnh nhân, thủ tục KCB bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân điện tử, KCB không dùng tiền mặt. Hiện nay, Trung tâm đang thí điểm mô hình tư vấn, khám bệnh từ xa áp dụng mức 1 bằng cách nối Zalo bằng điện thoại thông minh giữa bệnh nhân và bác sĩ tại TYT xã Cà Ná. Từ mô hình này, Trung tâm sẽ nhân rộng ra 7 TYT còn lại.

Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng KCB cho người dân tại tuyến cơ sở, thực hiện Đề án 1816, Trung tâm tăng cường luân phiên bác sĩ về TYT 6 xã: Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná, Nhị Hà, Phước Ninh và Phước Nam là những địa phương chưa có bác sĩ làm việc tại trạm để KCB cho người dân. Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nên trong năm 2022 tổng số lượt người đến KCB tại Trung tâm tăng hơn 2.400 lượt người so với năm 2021. Trong lĩnh vực y tế dự phòng, mặc dù dịch COVID-19 đã bước qua giai đoạn nguy hiểm, thế nhưng với tinh thần chủ động, phòng ngừa, Trung tâm tiếp tục cử cán bộ, nhân viên y tế hỗ trợ các TYT đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Theo đó, đến nay tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 ở tất cả các nhóm tuổi theo quy định đều đạt trên 100%; ghi nhận tỷ lệ tiêm mũi 3 ở nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên đạt cao trên 96%. Trung tâm còn chỉ đạo các TYT giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống một số loại bệnh dịch như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, phát hiện các bệnh lây nhiễm, hướng dẫn phòng lây và điều trị kịp thời.

Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số, tiêm chủng mở rộng; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống các bệnh như: Lao, phong, HIV/AIDS... được triển khai đầy đủ, kịp thời, đạt kết quả đề ra, góp phần nâng cao các chỉ số bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là tại các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao công tác chuyên môn; thực hiện chuyển giao công nghệ theo Đề án 1816 và chuyển giao kỹ thuật mới về chuyên môn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số các hoạt động của Trung tâm; chủ động kiểm tra, giám sát các bệnh dễ phát sinh thành dịch như: Sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng, thủy đậu... Đặc biệt, dựa trên nguyên tắc “lấy người bệnh làm trung tâm” toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.