Đóng góp to lớn cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển đất nước

Thực hiện lời Bác Hồ căn dặn trong bức thư gửi ngành Y tế ngày 27/2/1955 - ngày được chọn làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam hằng năm, sau 68 năm phát triển và trưởng thành, từ một nền y tế còn thiếu thốn về nhiều mặt, đến nay Việt Nam tự hào góp mặt trên bản đồ y tế thế giới với nhiều thành tựu và tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, tạo nên những thành công có tầm lan tỏa quốc tế.

Mạng lưới y tế hoàn chỉnh, rộng khắp

Trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo.

Hiện nay, cả nước có hơn 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010-2020; 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 87,5% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc (bao gồm cả bác sĩ làm việc lâu dài và bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc hai, ba ngày trong tuần); 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản...

Ngoài ra, việc triển khai khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế.

Mạng lưới khám, chữa bệnh từ trung ương đến các xã với hơn 1.400 bệnh viện, 180.000 giường bệnh, hằng năm khám và điều trị ngoại trú cho 120.000 lượt người bệnh, điều trị cho hơn 10 triệu lượt người, thực hiện hàng triệu thủ thuật, khoảng 2 triệu ca phẫu thuật phức tạp hàng năm.

Kiểm soát và ngăn ngừa nhiều dịch bệnh nguy hiểm

Trong hơn 30 năm thực hiện công tác phòng, chống dịch, Việt Nam hiện đã xây dựng được năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán xác định dịch bệnh và ứng phó giải quyết dịch bệnh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Năng lực phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi được nâng cao. Công tác tổ chức thu dung, điều trị cho người bệnh đạt hiệu quả rõ rệt. Công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm cũng được tích cực chủ động.

Nhờ đó nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, đẩy lùi và thanh toán, cụ thể như thanh toán bệnh đậu mùa vào năm 1978, thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, từ năm 2002 không có bệnh dịch hạch; một số bệnh dịch đã giúp giảm số người nhiễm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với những năm trước khi có chương trình tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, ho gà, sởi... Nhiều bệnh dịch lưu hành khác có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn, như: sốt xuất huyết, viêm não virus, lao, thương hàn, tả đã được khống chế; không gây thành các dịch lớn, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong.

Không chỉ khống chế các dịch bệnh trong nước, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1; ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV... Đặc biệt, Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở mức cao

Việt Nam cũng triển khai được năng lực giám sát xét nghiệm rất tốt. Tất cả bệnh truyền nhiễm mới nổi đến nay, Việt Nam đều có khả năng xét nghiệm và phát hiện, từ MERS-CoV, Ebola, hay cúm A/H7N9 và cả COVID-19... Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm hoạt động hiệu quả từ giám sát cộng đồng, giám sát tại cửa khẩu, tại phòng xét nghiệm; giám sát tại vùng bất thường liên quan đến yếu tố dịch tễ đều được báo cáo, sàng lọc.

Chinh phục, sáng tạo, nghiên cứu kỹ thuật y khoa tiên tiến

Việt Nam được công nhận là một trong số ít quốc gia làm chủ được công nghệ sản xuất vắc xin (Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại vắc xin, trong đó có 12/13 vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia); ứng dụng công nghệ sinh học vào sàng lọc và chẩn đoán phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân gây dịch, như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, đây là cơ sở để không xảy ra dịch trên quy mô lớn như các năm trước đây.

Việt Nam cũng làm chủ, hoàn thiện đưa nhiều kỹ thuật y học đạt tầm thế giới, thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ sinh sản, điều trị ung thư máu, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương - khớp, bỏng, phẫu thuật tạo hình, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh về máu... Ghép tế bào gốc tạo máu điều trị các bệnh máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là phương pháp điều trị triệt để nhất giúp cho bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính, di truyền có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường. Đó là kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ của các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương kỹ thuật này được bình chọn là một trong 10 thành tựu khoa học - công nghệ xuất sắc nhất Việt Nam 2018.

Trong lĩnh vực sản khoa, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã can thiệp bào thai thành công, chinh phục kỹ thuật sản khoa cao nhất, hiện đại nhất trên thế giới. Năm 2019, hàng chục sản phụ có thai đôi và mắc bệnh lý truyền máu song thai đã được can thiệp thành công. Kỹ thuật can thiệp bào thai có thể can thiệp được ở hầu hết các cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi...

Làm chủ công nghệ ghép đa tạng - một kỹ thuật khó của y học thế giới

Đặc biệt, công tác ghép tạng của Việt Nam dù xuất phát sau thế giới 50 năm nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới. Ngoài các kỹ thuật thường quy về ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc, Việt Nam tiếp tục khẳng định làm chủ công nghệ ghép đa tạng - một kỹ thuật khó của y học thế giới.

Năm 2019, lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện 2 ca ghép tạng đặc biệt: ghép phổi đồng thời với mổ tim và ghép đồng thời gan - thận. Cũng tại đây, kỷ lục trong ngành ghép tạng cũng được xác lập khi đã thực hiện 15 ca ghép tạng chỉ trong một tuần. Với sự tham gia của 300 y, bác sĩ, với sự phối hợp đồng bộ, tổ chức chuyên nghiệp, điều phối kịp thời và trên hết khẳng định trình độ chuyên môn cao. Trong số 15 ca ghép tạng từ ba người chết não hiến tạng, có hai ca ghép tạng xuyên Việt và một ca ghép phổi.

Tiếp đến phải kể đến thành tựu hai ca ghép phổi. Sau một tháng được nhận phổi hiến (ngày 4/10/2019) bệnh nhân thứ hai được ghép phổi đã bình phục xuất viện. Bệnh nhân đầu tiên được ghép phổi năm 2018 cũng đã được xuất viện sau 10 tháng nằm hồi sức sau ghép vô cùng gian nan, với một sự chăm sóc cực kỳ đặc biệt của đội ngũ y bác sĩ. Đây được đánh dấu là kỳ tích mới trong ngành ghép tạng Việt Nam sau khi Việt Nam chinh phục kỹ thuật ghép phổi - kỹ thuật khó nhất thế giới vào năm 2018.

Ngày 24/2/2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công bố thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

Và ngày 24/2/2023, Bệnh viện Việt Đức công bố thành công ca ghép đa tạng tim - thận đầu tiên.

Cho đến nay, hệ thống y tế nước ta đã có 15 cơ sở ghép được tim, thận, gan, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc tạo máu. Số người được ghép tạng tại Việt Nam từ năm 1992 đến 31/5/2022 là 6.550 người. Trong đó, số người được ghép thận là 6.094 ca; Số người được ghép gan là 384 ca; Số người được ghép tim là 59 ca; Số người được thép phổi là: 9 ca; Số người được ghép tụy + thận là 1 ca; số người được ghép tim + phổi là 1 ca; Số người được ghép ruột là 2 ca.

Chúng ta tự hào và tin tưởng vào đội ngũ 500.000 cán bộ y tế của nước ta có kiến thức rộng, chuyên môn sâu, tay nghề tốt, có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, bản lĩnh vững vàng. Trình độ trong một số lĩnh vực y học của Việt Nam ngang tầm với trình độ của thế giới. Tất cả đều trăn trở là làm sao để người dân có cuộc sống khỏe mạnh và tuổi thọ ngày càng được nâng lên; mong muốn hệ thống y tế phát triển toàn diện, đồng bộ, hiện đại, công bằng, hiệu quả, chất lượng, bền vững, hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo TTXVN