Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) (Nghị quyết số 33); Chương trình hành động số 282-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình hành động với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa (VH), xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, phù hợp giai đoạn mới, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.
Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 33 và các chương trình, kế hoạch của tỉnh, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình hành động với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển VH, xây dựng con người Ninh Thuận phù hợp trong giai đoạn mới; chú trọng phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị VH truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nét VH đặc trưng của địa phương và đạt được kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, VH, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng, phát triển VH, con người một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh và đất nước. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân làm nền tảng trong công tác xây dựng và phát triển nền VH Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Công tác xây dựng môi trường VH lành mạnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Thông qua các phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”; Xây dựng gia đình VH; Khu dân cư VH; Cơ quan, trường học VH… đã có tác động tích cực đến đời sống VH ở cơ sở. Đến cuối năm 2022, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 33,5%; 100% trường học thực hiện giáo dục thể chất đảm bảo chất lượng, 85% học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; 99,8% số thôn, khu phố được công nhận VH; 89,9% số hộ gia đình được công nhận gia đình VH; 100% quy ước, hương ước trên địa bàn có nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Những kết quả đạt được đã góp phần tích cực vào việc gìn giữ, phát triển nét đẹp VH, phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương; hạn chế và từng bước đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội; cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể
cần được bảo vệ khẩn cấp. Ảnh: Sơn Ngọc
Song song đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích VH, lịch sử ngày càng được quan tâm, nhất là việc huy động nguồn lực tham gia của xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 239 di tích được kiểm kê, 67 di sản VH đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp, trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 13 di sản cấp quốc gia, 6 di sản VH phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản VH phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, năm 2013, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản VH phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2022, hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản VH phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp… Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát triển VH các dân tộc thiểu số tỉnh góp phần bảo tồn một số VH dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nguy cơ mai một.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 33, xây dựng phát triển VH, xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, phù hợp giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt nhằm nâng cao nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển VH, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục quán triệt thực hiện tốt quan điểm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng VH là nền tảng tinh thần xã hội. Chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội đối với công tác VH.
Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhất là triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị; Chuyên đề toàn khóa và Chuyên đề năm 2023 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước”; tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi số của tỉnh; vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực VH. Tiếp tục triển khai các biện pháp đồng bộ, chủ động đấu tranh phòng, chống VH, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, VH; làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác kịp thời những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại, tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Ninh Thuận nhằm thu hút đầu tư, du lịch, nâng cao vị thế của tỉnh trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực VH; rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển VH, con người của tỉnh phù hợp với thực tiễn địa phương và đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, đất nước. Khuyến khích, nâng cao chất lượng sáng tác và phổ biến các tác phẩm VH, nghệ thuật; bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp di sản VH các dân tộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc và xây dựng, phát huy giá trị VH của các dân tộc trong tỉnh. Huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội hóa nhằm đầu tư xây dựng, phát triển VH, con người. Quan tâm đầu tư các thiết chế VH cho nhân dân; duy trì hoạt động hiệu quả các câu lạc bộ VH, thể dục thể thao; tổ chức các hoạt động VH, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Xuân Bính