UBND tỉnh họp giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án du lịch

Chiều 28/11, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 55 dự án du lịch đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (còn hiệu lực), với tổng vốn đăng ký 50.623 tỷ đồng. Trong đó, có 27 dự án đã đưa vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 4.019,5 tỷ đồng; 18 dự án đang triển khai thi công với tổng vốn đăng ký 39.935 tỷ đồng và 10 dự án đang hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan để thi công với tổng vốn đăng ký 6.669 tỷ đồng. Thời gian qua, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh, đồng thời đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra xử lý các dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, một số dự án du lịch trọng điểm, động lực triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra.

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Qua trao đổi và làm rõ, các ban, ngành, đơn vị liên quan cho rằng nguyên nhân chậm tiến độ là do điều kiện cơ sở hạ tầng và sức cạnh tranh thu hút khách du lịch so với các tỉnh lân cận còn hạn chế, ảnh hưởng đến tâm lý bỏ vốn đầu tư của các nhà đầu tư (NĐT) trong ngắn hạn; việc tiếp cận nguồn vốn vay hiện nay khó khăn hơn trước đây, đã tác động ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án của các NĐT. Dự án du lịch thuộc diện NĐT thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo Điều 61, Điều 62 Luật Đất đai 2013, tuy nhiên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn và thường kéo dài, giá đất NĐT phải thỏa thuận bồi thường cao hơn dự kiến ban đầu, pháp luật không quy định phải cưỡng chế thu hồi phần đất này trong trường hợp người dân không đồng ý đơn giá thỏa thuận. Thời gian thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng thường kéo dài, vướng nhiều thủ tục, điều kiện khó khăn; công tác xác định giá đất hiện nay rất khó khăn, thường kéo dài do thiếu đơn vị tư vấn xác định giá đất, phương thức và cách thức xác định giá đất rất phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề nên một số đơn vị tư vấn không tham gia, ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án. Một số dự án đã được NĐT triển khai đầu tư từ nguốn vốn tự có theo đăng ký, nhưng đối với vốn vay khó tiếp cận do ngân hàng siết chặt tín dụng nguồn vốn vay, hình thức thuê đất hằng năm là khó khăn cho việc huy động vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số NĐT chưa thực sự quyết tâm, thiếu năng lực thực hiện dự án, chưa thực hiện đúng các nội dung cam kết; một số dự án được gia hạn sử dụng đất, nhưng triển khai dự án cầm chừng, kéo dài. Công tác phối hợp của các cơ quan và địa phương trong việc triển khai thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn khó khăn, kéo dài.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh, đồng thời kiên quyết xử lý các dự án chậm do NĐT thiếu quyết tâm, thiếu năng lực triển khai thực hiện. Đồng chí giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra tiến độ đầu tư, tiến độ sử dụng đất các dự án du lịch. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác định những khó khăn vướng mắc, đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ tháo gỡ, đôn đốc tiến độ triển khai, đồng thời kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật. Giao các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, rà soát giải quyết các vướng mắc như: Xác định giá đất, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng còn kéo dài, chưa giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai như dự án.