Các bệnh truyền nhiễm khác như: Tụ huyết trùng trên trâu, bò, heo, dê, cừu; phó thương hàn heo; viêm ruột hoại tử trên dê, cừu, Gumboro trên gà,... xảy ra rải rác ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nhưng đã được phát hiện và khống chế kịp thời. Riêng bệnh dịch tả lợn châu Phi, tính đến ngày 22/11/2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tại 10 hộ chăn nuôi của 9 thôn, 6 xã thuộc 5 huyện: Ninh Sơn, Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Nam, với số lượng lợn bệnh, chết và tiêu hủy 353 con, với trọng lượng 3.846,4kg.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản phát sinh và lây lan, truyền nhiễm sang người; ngày 28/11/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5581/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh (PCDB) gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp PCDB theo quy định của pháp luật; chủ động các phương án, nguồn nhân lực, vật tư để xử lý khi phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và thủy sản; ứng phó kịp thời, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm các bệnh mới xuất hiện. Việc triển khai các biện pháp PCDB phải đồng bộ, bảo đảm nhanh gọn, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Trọng tâm là tập trung thực hiện tốt công tác phòng dịch, công tác tuyên truyền, tập huấn, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh; công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh; công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường... Riêng công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm cần tổ chức triển khai tiêm phòng định kỳ 2 đợt chính/năm. Trong đó, đợt 1: Từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2025; đợt 2: Từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2025. Trường hợp khi có dịch xảy ra, phải tập trung thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các biện pháp để xử lý triệt để ổ dịch theo quy định của Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật Chăn nuôi; quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của cơ quan thú y các cấp.
Lực lượng chức năng tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi tại xã Bắc Sơn (Thuận Bắc). Ảnh: T.Xuân
Về nhiệm vụ cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCDB động vật tỉnh) trực tiếp chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý dịch bệnh nhằm giúp các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản xảy ra. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y và các cơ quan chuyên môn thuộc sở triển khai các hoạt động PCDB gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh; theo dõi thông tin, tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo công tác PCDB gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo, đài, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh xây dựng các chương trình, chuyên mục truyền thông về các biện pháp PCDB động vật; thông tin, tuyên truyền chính xác, kịp thời về diễn biến tình hình và công tác PCDB gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch và cân đối, bố trí kinh phí ngân sách địa phương để thực hiện PCDB gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn quản lý. Tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCDB động vật cấp huyện và phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo; chỉ đạo UBND cấp xã, đơn vị trực thuộc có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y, nhất là mạng lưới thú y cơ sở thực hiện việc tiêm phòng định kỳ, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đến từng thôn, khu phố, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xử lý triệt để, kịp thời ổ dịch theo đúng quy định hiện hành và hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Các hiệp hội, doanh nghiệp, người chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và người dân thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của pháp luật về chăn nuôi, thú y và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trung ương, địa phương trong công tác PCDB động vật. Chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, thông báo kịp thời với cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở khi phát hiện dịch bệnh động vật; các hành vi vi phạm, giấu dịch; tình trạng vứt động vật bệnh, chết ra môi trường; hiện tượng giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ động vật mắc bệnh, không tuân thủ các biện pháp PCDB.
Linh Giang