Nhận định về xu thế phát triển của lịch sử là nội dung rất quan trọng của các đảng cộng sản trong quá trình lãnh đạo nước mình thực hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Nhận thức đó phản ánh hai vấn đề lớn: một, nhận định về bối cảnh và xu thế chung; hai, tự giác coi cuộc cách mạng ở nước mình là một bộ phận của cách mạng thế giới. Theo đó, việc nhận thức đầy đủ và đúng đắn xu thế của lịch sử có mối quan hệ mật thiết với lộ trình, quy mô và tốc độ của cách mạng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo luôn coi “cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới” và đặt nó trong xu thế của thời đại. Nhận thức này liên tục được hoàn thiện thông qua các Cương lĩnh chính trị và Văn kiện các Đại hội Đảng. Đại hội XI vừa qua đã thể hiện nhận thức mới về xu thế phát triển của lịch sử thông qua 2 văn kiện quan trọng là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Báo cáo chính trị của BCH TƯ (khóa X) tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Nhận định về xu thế thời đại của Cương lĩnh bổ sung và phát triển năm 2011 phản ánh đánh giá của Đảng về một giai đoạn “từ nay đến giữa thế kỷ XXI”, hiển nhiên là đánh giá quan trọng nhất và cần được quan tâm đầu tiên. Thực chất đây là nhận thức về bối cảnh lớn của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Nó thể hiện nhiều nhận thức mới so với Cương lĩnh 1991. Có thể thấy điều đó khi so sánh 2 Cương lĩnh như sau.
Về các yếu tố cấu thành nội dung của thời đại hiện nay và góp phần định hình xu thế chung của thế giới đương đại, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 có những nhận thức mới sau đây:
1. Một là, bổ sung nhận thức về các yếu tố kinh tế - kỹ thuật góp phần thúc đẩy và định hình xã hội hiện đại.
Đây là cơ sở duy vật lịch sử để nhận định về xu thế của thế giới đương đại. So với Cương lĩnh 1991, Cương lĩnh 2011 đã làm rõ hơn mấy nhân tố sau: Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại được gắn liền với kinh tế tri thức và toàn cầu hóa (thay cho quốc tế hóa). Kinh tế tri thức là trình độ mới của lực lượng sản xuất trong các giai đoạn xã hội hóa và toàn cầu hóa, là một trong những “vật mang” các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại và cả kinh tế tri thức đến với các quốc gia. Đánh giá tác động của nó là “sâu sắc với quá trình phát triển của các nước” (thay cho nhận thức về tác động “cuốn hút tất cả các nước với mức độ khác nhau” của Cương lĩnh 1991) đã phản ánh và thể hiện rõ hơn vai trò chủ động, tự giác của chủ thể quá trình phát triển về khả năng và diện tác động của yếu tố kinh tế - kỹ thuật này.
Báo cáo chính trị của BCH TƯ (khóa X) tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI chỉ rõ tác động sâu sắc của các yếu tố này không chỉ thuần túy trên lĩnh vực kinh tế mà còn góp phần vào những nhân tố xã hội: “Toàn cầu hoá và cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức” thông qua quá trình “cơ cấu lại thể chế, các ngành, lĩnh vực kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở các nước”. Theo đó tương quan sức mạnh kinh tế giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn có quan hệ ảnh hưởng nhiều với nước ta, có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó là những tác động tiêu cực, bất ổn do toàn cầu hóa mang lại như làm chậm tốc độ phục hồi sau khủng hoảng kinh tế; “chủ nghĩa bảo hộ phát triển dưới nhiều hình thức”; “Cạnh tranh về kinh tế - thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, công nghệ, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao...giữa các nước ngày càng gay gắt. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thiên tai, dịch bệnh... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp”…Tất cả những tác động này đều thông qua “kênh dẫn truyền” và “vật mang” là toàn cầu hóa.
Như vậy, nhận thức nổi bật về các yếu tố kinh tế - kỹ thuật hiện nay là vai trò rất to lớn, cả chiều tích cực - thúc đẩy và chiều thách thức - đặt vấn đề của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, trình độ kinh tế tri thức của thế giới hiện đại đang phát triển “mạnh như vũ bão” mang lại nhiều tiền đề thuận lợi cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội song mặt chính trị - xã hội của chúng cũng đặt ra nhiều thách thức với định hướng xã hội chủ nghĩa.
Có thể thấy được một số thách thức lớn sau đây:
Thứ nhất, tình trạng bất bình đẳng xã hội sẽ tăng trong quá trình chuyển biến sang kinh tế tri thức; không phải ai cũng có điều kiện, năng lực để tiếp cận tri thức và công nghệ, theo đó phân phối theo lao động sẽ khác nhau giữa người lao động có trình độ khác nhau. Có nhà nghiên cứu gọi tình trạng thiếu tri thức – thông tin là một dạng nghèo đói - “đói tri thức”, trong thế giới đương đại. Dạng đói này làm cho nhiều người đang bị tách khỏi dòng chủ lưu của phát triển. Lạc hậu về kinh tế, bất bình đẳng trong quyền được học tập là hai nhân tố chính tạo ra vấn đề này.
Thứ hai, chính trị hiện đại đang chi phối mạnh mẽ kinh tế tri thức. Biểu hiện trước tiên là lợi ích của những chủ thể tham gia vào kinh tế tri thức như các quốc gia, dân tộc; các tập đoàn kinh doanh... Quyền và lợi ích của các chủ thể này sẽ quy định mức độ tham gia, những điều khoản cho sự tham gia và sự chuẩn bị nhiều mặt cho quá trình đó. Ưu thế về kinh tế tri thức đang được chủ nghĩa tư bản khai thác, lợi dụng để tạo ra ưu thế, sự chèn ép với các quốc gia đang phát triển khác. Đó chính là những điều kiện chính trị - xã hội trong quá trình tiếp nhận - chuyển giao các sản phẩm của kinh tế tri thức: luật bảo hộ sản phẩm công nghệ, quyền tác giả - sở hữu trí tuệ, chống độc quyền, bảo hộ... Trong bối cảnh chính trị - xã hội hiện đại, muốn đi vào kinh tế tri thức không đơn giản chỉ là có tri thức, có vốn… là dễ dàng bước vào trình độ này. Những rào cản, những điều luật, những “luật chơi” do chủ nghĩa tư bản áp đặt đang là những cản trở lớn cần phải thấy và vượt được khi chủ nghĩa xã hội hướng tới kinh tế tri thức.
Thứ ba, có một vấn đề ngày càng lộ rõ là, có hai lực tác động theo hai hướng đang làm lớn dần khoảng cách với kinh tế tri thức. Vấn đề này xuất hiện ngay trong lòng các nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và có lẽ đây là nhận thức mới được làm rõ trong thập niên gần đây. Lực thứ nhất là vươn lên, hướng tới kinh tế tri thức; Lực thứ hai, xuất phát từ một vài nhóm lợi ích mà chủ yếu là những nhóm gắn với lĩnh vực quản lý nhà nước (cán bộ và doanh nhân) nhóm này đang cố gắng níu giữ cơ chế cũ hoặc lợi dụng những kẽ hở của quản lý để trục lợi. Với nhóm này, tình trạng quản lý thiếu dân chủ, không minh bạch, cơ chế xin cho…là cơ hội để tham nhũng và lợi dụng. Trước đây, vào thập niên 90, khi mua về công nghệ cũ - lạc hậu…có thể người ta còn biện bạch rằng “do hạn chế về nhận thức, kinh nghiệm” nhưng các vụ án tham nhũng ở PMU (2006), Dự án 112 CP “Tin học hoá quản lý văn phòng” (2007) Công ty Veđan phá hoại môi trường (2008); vụ Vinashin (2010)… là những ví dụ điển hình cho thấy có những người biết luật mà vẫn cứ làm bừa. Chính họ cũng là lực cản trực tiếp và to lớn đối với sự phát triển kinh tế tri thức ở nước ta. Muốn đạt tới trình độ kinh tế tri thức trước tiên, từ bên trong, phải vượt được những lực cản này.
Trong tương lai gần, bên cạnh những nhân tố thuận lợi, cơ hội phát triển, thì các nhân tố khó khăn, thách thức là to lớn, phức tạp và không thể xem thường. Bởi vì, những nhân tố đó không tồn tại tự thân mà luôn gắn với con người với những lợi ích khác biệt. Điều này rõ hơn khi quan sát các yếu tố chính trị - xã hội sau đây.
2. Hai là, Đại hội XI bổ sung, hoàn thiện nhận thức về các nhân tố chính trị - xã hội đương đại tác động vào xu thế chung và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Các nhân tố này thể hiện trên hai phương diện: xu thế lớn và những nét cơ bản của tình hình chính trị thế giới.
Đây là những nội dung nhận thức được tập trung bổ sung và phát triển nhiều nhất khi so sánh hai Cương lĩnh. Tính hai mặt của tình hình và quan hệ chính trị - xã hội quốc tế hiện nay vừa định hình xu thế lớn là “Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển” vừa xác nhận tính chất khó khăn, phức tạp trong quá trình thể hiện và tương tác với các biểu hiện phức tạp và có tính ly tâm với xu thế lớn: Tiêu biểu là “…đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp”. Báo cáo chính trị tại Đại hội XI còn làm rõ thêm về “các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điện tử - viễn thông, sinh học, môi trường...còn tiếp tục gia tăng.”
Tất cả đều hàm chứa những cục diện, đặc điểm và hướng vận động khá phức tạp. Các yếu tố tiêu cực và mang tính ly tâm với xu thế lớn có khá nhiều, biểu hiện đa dạng hầu khắp các lĩnh vực và chưa có khả năng giải quyết trong tương lai gần. Nhận thức rõ hiện trạng này để thấy rõ những nhân tố gây khó khăn trở ngại cho một thế giới hòa bình, dân chủ, công bằng, phát triển bền vững và quá độ lên chủ nghĩa xã hội của nhân loại. Song, lịch sử cũng chứng minh rằng, “nhân loại bao giờ cũng chỉ đặt ra cho mình những nhiệm vụ mà nó có thể giải quyết được vì khi xét kỹ hơn, bao giờ người ta cũng thấy rằng bản thân nhiệm vụ ấy chỉ nảy sinh khi những điều kiện vật chất để giải quyết nhiệm vụ đó đã có rồi, hay ít ra cũng đang ở trong quá trình hình thành” (C.Mác). Hai nhóm nhân tố: nhu cầu phát triển trong bối cảnh lực lượng sản xuất hiện đại đang phát triển mạnh mẽ và bảo vệ lợi ích của quốc gia dân tộc sẽ là các nhân tố thúc đẩy và buộc cả nhân loại phải tìm giải pháp cho những vấn đề toàn cầu. Theo đó, “Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn, xu thế dân chủ hoá trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển...”
Có ba nhóm quan hệ cùng tác động vào tình hình và định hình xu thế lớn trên của quan hệ quốc tế hiện đại. Nhóm thứ nhất là quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Đây là quan hệ chính trị - xã hội được quan tâm hàng đầu. Đánh giá về chủ nghĩa xã hội hiện thực của Cương lĩnh 2011 đã kế thừa nhiều nhận định của Cương lĩnh 1991 về vai trò to lớn của hệ thống xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay, rằng “đã đạt những thành tựu to lớn về nhiều mặt, từng là chỗ dựa cho phong trào hoà bình và cách mạng thế giới, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Điều đó cũng cắt nghĩa cho giá trị và sức sống của chủ nghĩa xã hội hiện nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng “một số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng, tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, tiếp tục phát triển”. Những nguyên nhân, kinh nghiệm rút ra từ thất bại, khủng hoảng giai đoạn vừa qua sẽ là bài học quý báu để chủ nghĩa xã hội tiếp tục cải cách, đổi mới và phát triển. Vì vậy cùng những bước hồi phục của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chủ nghĩa xã hội hiện thực cải cách và đổi mới sẽ vẫn là những chủ thể chính trị quan trọng góp phần định hình diện mạo chính trị thế giới trong tương lai.
Chủ nghĩa tư bản hiện đại là mặt thứ hai của quan hệ chính trị xã hội hiện đại. Về phương pháp luận tư duy tương lai, Mác có một tư tưởng rằng “không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ.” Cương lĩnh 2011 chỉ ra 3 nét tiêu biểu của chủ nghĩa tư bản hiện đại: 1- nó “còn tiềm năng phát triển”; 2 - về bản chất nó vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công; 3 - “mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc và “Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản". Chính những nhân tố đó sẽ góp phần định hình tương lai nhân loại. Theo đó, từ nay đến 2050, chủ nghĩa tư bản vẫn là một thực thể vừa đối lập, vừa đồng hành và có tác động qua lại với chủ nghĩa xã hội.
Nhóm thứ hai là “Các nước đang phát triển, kém phát triển phải tiến hành cuộc đấu tranh rất khó khăn, phức tạp chống nghèo nàn, lạc hậu, chống mọi sự can thiệp, áp đặt và xâm lược để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc.” Theo đó, hạt nhân là vấn đề lợi ích quốc gia, dân tộc và sự “xuất hiện các hình thức tập hợp lực lượng và đan xen lợi ích mới” giữa các nước trong bảo vệ lợi ích ấy. Đây cần được xem là một nhận định quan trọng của các Văn kiện ĐH XI.
Có mấy nét mới của lợi ích quốc gia, dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế hiện nay. Sự mở rộng quan niệm về chủ quyền và các yếu tố lợi ích là điểm đầu tiên. Chủ quyền quốc gia được xác định trong không gian ba chiều (vũ trụ, lãnh thổ - lãnh hải và tài nguyên dưới mặt đất) và bị chi phối thêm chiều thứ tư là thời gian - triển vọng. Đó là lợi ích của các quốc gia đang phát triển trong một thế giới toàn cầu hoá và trong chiến lược toàn cầu hoá lợi ích của những nước lớn đang có tham vọng trên “bàn cờ lớn”. Điều đáng quan tâm là do tính hữu hạn của không gian phát triển (chủ quyền và biên giới) cho nên các toan tính lợi ích của nhiều nước lớn thường mang tính chất đế quốc. Theo đó, lợi ích của một nước lớn có khi xuất hiện và được quan tâm trên mức bình thường không chỉ khi ở sát kề mà cả khi nó ở cách biên giới của họ cả ngàn dặm, khi nó là một triển vọng của vài thập niên sau, thậm chí cả thế kỷ sau. Và, nó buộc các quốc gia đang phát triển, muốn sống hoà bình yên ổn làm bạn với tất cả, không chuốc thù oán với một ai…phải coi thứ lợi ích đế quốc ấy là đối tượng để cảnh giác bằng tầm xa của tư duy chiến lược quốc phòng an ninh quốc gia.
Đối tượng thành đối tác và ngược lại, trong đối tác có yếu tố đối tượng trong đối tượng có mặt đối tác- chuyển hoá ấy được chuyển biến rất nhanh thậm chí chỉ trong một thập kỷ, song cũng có thể nhanh tới mức bất ngờ. Có thể xét đoán vấn đề này thông qua các động thái chính trị của các nhà cầm quyền và bang giao quốc tế. Hai yếu tố đó lại bị chi phối bởi đường lối - chiến lược mà đường lối thì bao giờ cũng từ vấn đề ý thức hệ.
Những bất trắc trong một thế giới toàn cầu hoá kinh tế sẽ mang đến cho một quốc gia đang phát triển nhiều điều rắc rối khó lường và cũng kích hoạt sớm những xung đột chủ quyền - lãnh thổ. Trước mắt, nó gây ra khủng hoảng tài chính hiện nay và làm suy giảm tốc độ tăng trưởng vài % GDP của mỗi quốc gia, làm bộc lộ những điểm yếu cốt tử của một nền kinh tế, nó làm bùng phát những vấn đề về năng lực quản lý xã hội … Đại loại là nó làm quốc gia ấy phải đối diện và phải giải quyết những vấn đề từ bên trong. Tư duy đế quốc có một giải pháp khá thông lệ là đẩy những rắc rối nội bộ ra thành xung đột ngoại biên. Chính vì thế, khi bối cảnh quốc tế hội đủ những điều ấy, thì tư duy chiến lược an ninh quốc gia của những nước đang phát triển phải bắt đầu nghĩ tới những thách thức, thử thách mới, sắp xuất hiện mà lẽ ra, có thể nó chưa tới.
Cùng với “diễn biến hoà bình”, những âm mưu lấn chiếm, thôn tính lãnh thổ sẽ là hai nguy cơ trực diện, song hành và đặt vấn đề trực tiếp đối với tư duy về quốc phòng - an ninh quốc gia. Nó kết hợp với hàng loạt học thuyết mới trên thế giới về kinh tế - quân sự và chính trị để tạo ra nhiều tình huống có vấn đề cho tư duy chiến lược. Bảo vệ chế độ chính trị và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia sẽ là hai vấn đề thường trực và có quan hệ biện chứng trong tư duy và hành động của chiến lược xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Nhóm thứ ba là những vấn đề toàn cầu cấp bách có liên quan đến vận mệnh loài người buộc toàn thể nhân loại phải cùng quan tâm và chung sức giải quyết. “Đó là giữ gìn hoà bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn chế sự bùng nổ về dân số, phòng ngừa và đẩy lùi những dịch bệnh hiểm nghèo...”
Nếu như lợi ích quốc gia dân tộc là nhân tố có tính chia rẽ tiềm tàng các quốc gia trong bối cảnh hiện nay, thì những vấn đề toàn cầu cấp bách lại buộc họ phải quan tâm và xích lại gần nhau. “Việc giải quyết những vấn đề đó đòi hỏi sự hợp tác và tinh thần trách nhiệm cao của tất cả các quốc gia, dân tộc”. Quá trình phát triển của Việt Nam cũng không thể tách rời bối cảnh và tính quy định của những xu thế xuất hiện từ các nhân tố chính trị - xã hội của bối cảnh ấy.
Theo đó, “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc”.
PGS.TS Nguyễn An Ninh
Nguốn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam