Toàn tỉnh hiện có 2.260 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên; trong đó, có 814 tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ và 170 tổ đội khai thác trên biển, ngành nghề khai thác hải sản của tỉnh được phân bổ khá đều giữa nghề lưới vây có tính chọn lọc cao với nghề lưới rê và trong thời gian gần đây xuất hiện thêm một số nghề mới như: Nghề lưới rê hỗn hợp, nghề câu khơi, lưới vây cá cơm... sản lượng khai thác hằng năm trung bình đạt 125.000 tấn. Với năng lực khai thác, quy mô đánh bắt ngày càng phát triển, tỉnh cũng phải tuân theo các quy định về chống khai thác IUU, đảm bảo nguồn hải sản minh bạch để tăng khả năng năng cạnh tranh với các quốc gia khác.
Xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, góp phần chung tay tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu; đồng thời, giúp ngư dân khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách bền vững; căn cứ chỉ đạo của Tỉnh ủy, văn bản của UBND tỉnh, với vai trò là cơ quan đầu mối trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, địa phương rà soát cụ thể số lượng tàu đang hoạt động; tổ chức theo dõi, nắm vững địa bàn quản lý, ngăn chặn kịp thời các tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Tàu cá của ngư dân huyện Ninh Hải chấp hành nghiêm túc các quy định về chống khai thác IUU.
Ngoài việc thành lập tổ công tác đến các địa phương có vùng biển giáp ranh với nước ngoài như Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau làm việc và đề nghị hỗ trợ trong việc ngăn chặn tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân đó là Chi cục Thủy sản tỉnh thường xuyên phối hợp cùng với các địa bàn ven biển tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến văn bản chỉ đạo của trung ương, địa phương về chống khai thác IUU; cấp phát tờ rơi, cho chủ tàu ký cam kết không vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài. Ông Đỗ Thành Rạng, ở thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải), cho biết: Mặc dù Luật Thủy sản ban hành và có hiệu lực từ năm 2019 nhưng thực tế còn nhiều ngư dân chưa nắm bắt hết, nhờ được tuyên truyền cụ thể, chúng tôi đã nắm bắt được quy định nội dung của luật cũng như nhận thức rõ hơn tác hại của việc khai thác IUU, từ đó chấp hành nghiêm túc, không đánh bắt ở vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện đánh dấu tàu cá theo quy định, với sự hướng dẫn tích cực từ ngành chức năng, nhiều ngư dân đã chấp hành nghiêm túc. Cùng với đó, quá trình theo dõi, kiểm tra, kiểm soát trên biển cũng được quản lý chặt chẽ, thông qua thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Đến nay toàn tỉnh có 2.144 tàu hoàn thành việc đánh dấu và có 798 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên được lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 98,3%. Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, nhìn nhận: Từ hệ thống giám sát giúp cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn những trường hợp tàu cá vượt qua ranh giới biển cho phép. Đặc biệt, qua thiết bị VMS có thể thông tin đến ngư dân về ngư trường đánh bắt hiệu quả hơn, cập nhật các thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới để ngư dân tránh trú, di chuyển về vùng an toàn.
Ghi nhận tại một số cảng cá trên địa bàn tỉnh, ngoài những quy định về chống khai thác IUU được dán ngay lối ra vào cảng; hoạt động kiểm tra, thống kê số lượng tàu ra vào cảng, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác cũng được thực hiện đảm bảo. Hết các tàu đánh bắt xa bờ đều tuân thủ nghiêm túc việc ghi chép về thời gian, địa điểm khai thác và sản lượng cụ thể, nộp sổ nhật ký hành trình sau mỗi chuyến đánh bắt. Chỉ tính trong năm 2022, Ban Quản lý khai thác các cảng cá tổ chức kiểm tra 6.573 lượt tàu cá cập cảng và rời cảng, tổng sản lượng bốc dỡ sản phẩm qua cảng đạt trên 5.512 tấn. Toàn bộ số liệu đều được ghi chép đầy đủ và đồng bộ vào cơ sở dữ liệu quốc gia.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, địa phương, qua công tác kiểm tra, kiểm soát về chống khai thác IUU và kết quả đối chiếu số liệu từ Tổng cục Thủy sản cho đến nay trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tàu cá vi phạm hoạt động khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Với quyết tâm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ nguồn lợi hải sản, trong thời gian tới, bám sát các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, đảm bảo mọi ngư dân đều cập nhật, tiếp cận đầy đủ văn bản, thông tin về các quy định chống khai thác IUU; đẩy nhanh hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý dữ liệu tàu cá qua VMS, xử phạt nghiêm các tàu cá có hành vi vi phạm. Đồng thời, tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các cảng cá, đảm bảo công tác chống khai thác IUU mang lại hiệu quả.
Hồng Lâm