Quy định nêu rõ, đối với việc phân loại và thu gom chất thải rắn cồng kềnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có phát sinh chất thải rắn cồng kềnh có trách nhiệm tháo rã và giảm kích thước chất thải rắn cồng kềnh đến mức có thể lưu chứa được trong xe thu gom rác đẩy tay trước khi vận chuyển đến điểm tập kết. Trường hợp, không tự tháo rã, giảm kích thước tại nơi phát sinh chất thải thì phải tháo rã và phân loại chất thải rắn cồng kềnh tại điểm tập kết hoặc cơ sở xử lý. Chất thải rắn cồng kềnh sau khi tháo rã phải phân loại thành các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng và chỉ thải bỏ các thành phần không thể tái chế, tái sử dụng để giảm thiểu tối đa việc phát thải ra môi trường và tận dụng triệt để giá trị nguồn tài nguyên từ chất thải.
Chủ nguồn thải chất thải rắn cồng kềnh tự vận chuyển hoặc thuê đơn vị có chức năng thu gom chất thải này vận chuyển đến địa điểm tập kết (do UBND các xã, phường, thị trấn quy định) hoặc đến cơ sở xử lý.
Đối với việc vận chuyển và xử lý, chất thải rắn cồng kềnh sau khi tháo rã, giảm kích thước được vận chuyển và xử lý như chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn cồng kềnh được thu gom, vận chuyển từ nguồn thải đến điểm tập kết và đến điểm xử lý phải được vận chuyển bằng phương tiện vận chuyển chuyên dụng hoặc bằng các phương tiện đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; đảm bảo không rơi vãi chất thải, rò rỉ nước thải, phát tán mùi hôi trong quá trình vận chuyển. Chất thải rắn cồng kềnh sau khi tập kết về điểm tiếp nhận phải được vận chuyển đi xử lý ngay trong ngày để không ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan khu vực...
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/11/2022.
B.H