Cần tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm

Mặc dù chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tuy nhiên, trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm vẫn xảy ra nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (TTXD). Nhiều công trình xây dựng trái phép, không phép, sai phép đã phá vỡ kiến trúc đô thị, ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển của thành phố.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, thành phố phát hiện 73 trường hợp vi phạm TTXD. Trong đó, 72 trường hợp sử dụng đất sai mục đích, 1 trường hợp xây dựng sai mục đích giấy phép, tập trung nhiều tại các phường: Phước Mỹ, Văn Hải, Tấn Tài... Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bức xúc nhu cầu về nhà ở của người dân. Nhiều hộ gia đình không có điều kiện mua đất thổ cư nên đành phải xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, công tác điều chỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chậm trễ, không theo kịp nhu cầu nhà ở của người dân... Nhiều khu vực đã có quy hoạch tổng thể nhưng chưa có quy hoạch 1/500 để làm căn cứ cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên dẫn đến tình trạng nêu trên.

Nhà ở xây dựng trái phép trên địa bàn phường Phước Mỹ.

Ông Trần Thanh Cương, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị cho biết: Nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm TTXD, thời gian qua, UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã có nhiều giải pháp. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, UBND thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng và UBND các xã, phường tăng cường theo dõi, thường xuyên thanh tra, kiểm tra phát hiện các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ làm công tác quản lý đất đai mỏng không thể quản lý chặt chẽ, bao quát. Nhiều công trình thuộc diện không được phép xây dựng, khi bắt đầu giai đoạn làm móng, chính quyền địa phương phát hiện, đến nhắc nhở, đình chỉ công trình nhưng các đối tượng tiếp tục lén lút thi công. Khi chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trở lại kiểm tra thì ngôi nhà đã được xây dựng gần như hoàn chỉnh. Việc xử lý các trường hợp vi phạm được thực hiện theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên hết sức khó khăn.

Cụ thể, sau khi phát hiện vi phạm, Đội Quản lý trật tự đô thị tham mưu UBND thành phố ra quyết định xử phạt, đồng thời phối hợp chính quyền địa phương vận động bà con tự nguyện tháo dỡ công trình. Những trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp nằm trong diện đất được cho phép chuyển đổi mục đích sang đất thổ cư thì vận động bà con làm thủ tục chuyển đổi. Nếu sau 10 ngày từ khi có quyết định xử phạt hành chính, các hộ không tự nguyện khắc phục, tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ theo quy định. Tuy nhiên, một phần do sự chống đối từ phía người dân; một phần do chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thiếu cương quyết nên các trường hợp tự nguyện tháo dỡ công trình sai phạm là rất ít. Điển hình như trên địa bàn phường Phước Mỹ, từ đầu năm đến nay, có 26 trường hợp vi phạm đã có quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế, tuy nhiên đến nay vẫn chưa cưỡng chế thành công trường hợp nào.

Để công tác quản lý TTXD đạt hiệu quả cao, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, ngăn chặn các trường hợp vi phạm ngay từ khi công trình mới bắt đầu. Đồng thời cần mạnh tay trong việc xử lý vi phạm. Thành phố cần hoàn thiện quy hoạch chi tiết về xây dựng cho các địa phương; kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dành cho người thu nhập thấp, giải quyết nhà ở; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự xây dựng cho người dân nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng xây dựng nhà ở trái phép, không phép như hiện nay.