Thuận Bắc: Chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai

Địa hình huyện Thuận Bắc có độ dốc cao nên khi có mưa lớn dễ gây ra lũ quét, sạt lở đất, đá, ngập cục bộ ở một số vùng. Nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân, huyện chủ động xây dựng đồng bộ các giải pháp ứng phó hiệu quả trước mọi tình huống thiên tai.

Trước diễn biến khó lường của thiên tai, tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện Thuận Bắc trong những năm gần đây diễn ra hết sức phức tạp, đã gây ra nhiều thiệt hại, không chỉ đe dọa đến tính mạng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, lao động sản xuất của người dân. Ông Trần Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Nhận thức rõ mức độ nguy hại do bão, mưa lũ gây ra, ngay từ đầu mùa mưa, UBND huyện đã chỉ đạo cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án, giải pháp ứng phó một cách chi tiết, cụ thể; đồng thời, tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn các cấp đủ số lượng, đáp ứng năng lực trong điều hành chỉ huy tốt trong mọi tình huống khi xảy ra sự cố.

Công trình kênh mương thoát lũ thôn Động Thông góp phần khắc phục
tình trạng ngập nước vào mùa mưa.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, tất cả các ngành, UBND các xã đều thực hiện nghiêm túc, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT, chủ động rà soát tại các khu vực lòng suối để tiến hành nạo vét khơi thông dòng chảy; đề xuất, tham mưu cho UBND huyện những vị trí thường xuyên sạt lở, kịp thời khắc phục, gia cố bảo đảm an toàn trong mùa mưa. Qua kinh nghiệm thực tế ứng phó, huyện đã xác định những khu vực trọng điểm cần được ưu tiên cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai như khu vực thôn Kiền Kiền, Bà Râu (xã Lợi Hải), thôn Ba Tháp, Gò Sạn (xã Bắc Phong), thôn Hiệp Thành, Suối Giếng (xã Công Hải) là những nơi thường xảy ra lũ quét; vị trí có khả năng sạt lở núi, đất thuộc khu vực Núi Chúa (xã Lợi Hải), Núi Đá, thôn Đá Mài Trên, thôn Cầu Đá (xã Phước Kháng), thôn Động Thông (xã Phước Chiến); vùng có khả năng bị lũ lụt chia cắt như bờ tràn Suối Rách đi từ hồ Sông Trâu đến trung tâm xã Phước Chiến, bờ tràn từ thôn Đá Liệt đến Suối Le (xã Phước Kháng)... Trên cơ sở khoanh vùng các vị trí xung yếu, huyện chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã tăng cường phối hợp, vận dụng hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, huy động tổng lực về người và phương tiện tổ chức ứng phó. Đến nay, mọi vật tư, thiết bị cứu nạn, cứu hộ đã được chuẩn bị đầy đủ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thuận Bắc có 4 hồ chứa nước và hàng chục hệ thống sông, suối, đều nằm ở khu vực đầu nguồn có độ dốc cao, nên mỗi khi có mưa lượng nước đổ về rất lớn, công tác phòng, chống lụt bão tại các hồ chứa cũng được triển khai quyết liệt. Theo đó, Trạm Thủy nông huyện thực hiện nghiêm quy trình vận hành các hồ chứa, thông báo cho chính quyền địa phương ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ. Cùng với đó, bố trí lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, phương tiện cứu hộ sẵn sàng tham gia di dời dân ở vùng hạ lưu khi bị ngập lụt.

Đặc biệt hơn, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của tỉnh, hằng năm huyện Thuận Bắc còn chủ động cân đối, bố trí kinh phí để xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình PCTT, góp phần phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Tiêu biểu như công trình xây mới tuyến kênh mương thoát lũ tại thôn Động Thông với chiều dài hơn 1 km, có tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng vừa hoàn thành trong năm nay, tạo sự phấn khởi cho người dân tại địa phương. Anh Patâu Axá Ngoan, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chiến, chia sẻ: Công trình đi vào hoạt động khắc phục được tình trạng ngập nước vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống bà con trong thôn. Xã mong muốn cấp trên tiếp tục quan tâm đầu tư thêm công trình mương thoát lũ tại khu vực đập Ma Trai và Đầu Suối A trong thời gian tới.

Với việc chủ động xây dựng kế hoạch, công tác PCTT ở huyện Thuận Bắc được triển khai hiệu quả, đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống, tính mạng của người dân, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.