Đầu tư xây dựng cầu, thay thế các đập tràn

Do địa hình chia cắt bởi nhiều sông suối nên các tuyến đường liên xã, liên huyện và các tỉnh lộ luôn được thiết kế các cầu tràn, đập tràn. Vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, làm các đập tràn nhanh chóng bị ngập sâu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua tỉnh đã đầu tư xây dựng cầu thay thế các điểm đập tràn nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.

Tại đập tràn suối Gia Nhông, xã Phước Bình (Bác Ái) mỗi khi mưa lớn, nước chảy xiết, dâng cao thường gây ngập sâu, khiến việc đi lại của người dân qua đây rất nguy hiểm. Những năm qua tại vị trí này, đã từng xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm do lũ đổ về bất ngờ cuốn trôi người và phương tiện, trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương khi qua đập tràn. Trước thực tế này, năm 2022, tỉnh đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Gia Nhông thay thế cho đập tràn với tổng mức đầu tư trên 6 tỷ đồng. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, công trình cầu dài 34,6 m gồm một nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng cầu 7 m, đường dẫn hai đầu cầu 119,4 m. Đây là công trình sửa chữa theo cấp hiện trạng đường tỉnh 707 (Ninh Bình - Phước Bình), có nguồn vốn đầu tư từ kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ năm 2022. Hiện nay đơn vị thi công đang tập trung phương tiện, nhân công để đẩy nhanh tiến độ, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2022, đảm bảo an toàn giao thông cho người và các phương tiện đi lại, tránh tình trạng chia cắt và phòng ngừa tai nạn đáng tiếc xảy ra trên tuyến trong mùa mưa lũ. Chị Katơr Thị Hiệp, thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình cho biết: Hằng ngày mình thường chở con đi học qua đây. Vào mùa mưa thường xuất hiện lũ lớn gây chia cắt đường. Khi lũ về người dân phải chờ nước rút mới qua tràn được. Nay được Nhà nước đầu tư xây dựng cầu mới người dân rất vui, yên tâm hơn khi vận chuyển hàng hóa, đi lại qua khu vực này.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cầu Gia Nhông.

Không riêng xã Phước Bình, khu vực nông thôn miền núi tỉnh ta có địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối. Điều này đã gây không ít khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Nếu như trước đây người dân thôn Tà Nôi - thôn xa nhất của xã Ma Nới (Ninh Sơn) muốn đi về trung tâm xã phải vượt qua 5 bờ tràn nguy hiểm, thì nay, 5 bờ tràn đã được thay thế bằng 5 cây cầu bê tông kiên cố vượt sông, vượt suối. Ông Cà Mau Viên, Trưởng thôn Tà Nôi, xã Ma Nới (Ninh Sơn) cho biết: Trước đây khi người dân bị bệnh chuyển đi cấp cứu thường phải cõng hoặc khiêng qua suối rất vất vả; hàng hóa nông sản của người dân cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ do giao thông cách trở, bất tiện. Nhờ có sự quan tâm của Đảng đầu tư xây dựng con đường như hôm nay, bà con nhân dân thôn Tà Nôi rất mừng, cuộc sống dần thay đổi. Từ khi xây dựng xong những cây cầu này, người dân đi lại rất thuận tiện, góp phần xây dựng nông thôn mới cũng như tạo điều kiện phát triển KT-XH địa phương, đặc biệt là những vùng xa xôi vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Sở Giao thông vận tải, qua rà soát, toàn tỉnh có trên 40 vị trí đập, cầu tràn nguy hiểm thuộc các tuyến đường liên thôn, liên xã. Từ năm 2016 đến nay Dự án xây dựng cầu dân sinh, quản lý tài sản đường địa phương người (Dự án LRAM) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã hỗ trợ Ninh Thuận trên 32 tỷ đồng xây dựng 16 cây cầu dân sinh ở khu vực nông thôn miền núi; tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái. Những cây cầu dân sinh này không chỉ đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông mà còn có tính kết nối liên xã liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH ở khu vực nông thôn miền núi.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Hiện nay tỉnh đang tập trung thi công một số cầu thay thế đập tràn trên tuyến đường 707 và tuyến đường Kiền Kiền - Khánh Nhơn - Vĩnh Tân từ nguồn vốn quản lý, bảo trì đường bộ. Qua rà soát, ngành Giao thông vận tải xác định hiện còn 15 đập tràn nguy hiểm tại các địa bàn xung yếu ở khu vực miền núi để đề xuất tiếp tục tiếp tục đầu tư cầu dân sinh thay thế khi có nguồn vốn; hướng tới xóa 100% các đập tràn nguy hiểm.

Với việc ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cầu dân sinh thay thế các đập tràn nguy hiểm, đến nay, các tuyến đường liên xã, liên huyện và tỉnh lộ ở tỉnh ta đã cơ bản khắc phục được tình trạng lũ chia cắt vào mùa mưa. Đồng thời hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra khi mùa mưa lũ đến.