Sau hơn 7 năm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), đến nay toàn quốc đã rà soát, nắm chắc được số lượng tàu cá, cơ bản hoàn thành xử lý tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Các ngành đã chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, kiểm soát việc giám sát sản lượng thủy hải sản khai thác bốc dỡ qua cảng; thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) để đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu không vi phạm IUU. Việc kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện đầy đủ theo quy định quốc tế và khuyến nghị của EC. Công tác thực thi pháp luật, xử lý hình sự, xử phạt vi phạm hành chính đã được các địa phương quyết liệt triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc răn đe, giáo dục trong cộng đồng ngư dân. Tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt.
Lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Thuận.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị quan trọng từ Trung ương xuống địa phương. Việc quyết liệt xử lý khai thác IUU không chỉ để làm việc với đoàn thanh tra EC mà còn là yêu cầu cấp thiết trong phát triển thuỷ sản cả nước hiện nay. Đồng chí yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung cao điểm quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách đến tháng 4 năm 2025, khắc phục những hạn chế trước khi Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu sang thanh tra lần thứ 5. Kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của cả nước.
Anh Tuấn