Theo UBND huyện Ninh Sơn, trong 9 tháng năm 2022, giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn huyện đạt 4.021,9 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đạt 1.152,4 tỷ đồng, tăng 6%; giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng, đạt 2.306 tỷ đồng, tăng 19,8%; giá trị sản xuất th¬ương mại, dịch vụ, đạt 563,5 tỷ đồng, tăng 11%. Tổng thu ngân sách đạt trên 330 tỷ đồng, bằng 105% dự toán năm... Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã kịp thời quán triệt tinh thần chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND huyện và ban hành kế hoạch (KH) phát triển KT-XH và dự toán ngân sách của huyện trong năm 2022, gồm 9 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu, 175 nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực, trọng tâm, đột phá để chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, với tinh thần quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Về sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 23.012 ha, đạt 93,8% KH cả năm; tổng sản lượng lương thực đạt 58.240 tấn, đạt 72,47% KH năm. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp duy trì và phát triển mở rộng. Đến nay có gần 100 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Trong chăn nuôi, quy mô đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định. Tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện đạt 395.517 con. Về thủy sản, diện tích nuôi trồng 49,5 ha, trong 9 tháng đạt sản lượng 123 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 116 tấn, đạt 104,98%, sản lượng khai thác thủy sản nội địa 7 tấn, đạt 77,8 % so cùng kỳ năm trước.
Thu mua mía tại huyện Ninh Sơn. Ảnh: V.N
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục được duy trì, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 1.866,3 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công nghiệp chế biến đạt 1.015 tỷ đồng, tăng 14%; công nghiệp khai khoáng 7,5 tỷ đồng, tăng 12%; sản xuất phân phối điện, nước đạt 843,7 tỷ đồng, tăng 28%. Lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ thời điểm trước dịch COVID-19. Giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm liên tiếp trong tháng 7 và 8/2022 đã phần nào tác động tích cực đến giá cả hàng hóa nói chung, kích thích tăng tiêu dùng trở lại. Bên cạnh đó, việc làm và thu nhập gia tăng, thị trường du lịch mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu gia tăng, đã góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ toàn huyện đạt 1.210,8 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Đáng ghi nhận, công tác giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, đã giải ngân vốn được giao gần 30 tỷ đồng, đạt 71,26% KH. Huyện đã phân bổ các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 cho các chủ đầu tư và địa phương, với tổng kinh phí 59,832 tỷ đồng, đảm bảo kịp thời và hiệu quả trên địa bàn huyện.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm; quy mô giáo dục được duy trì, chất lượng ngày được nâng lên. Huyện đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tối thiểu tại các trường học trên địa bàn và phương án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đảm bảo triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân luôn được chú trọng. Đến nay, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát; công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đúng quy định. Toàn huyện đã tiêm 183.331 mũi, đạt tỷ lệ 98,8%. Công tác chăm lo cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện tốt. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đươc thực hiện hiệu quả. Trong 9 tháng giải quyết việc làm mới cho 2.101 lao động, đạt 105% chỉ tiêu KH; trong đó có 113 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 52% chỉ tiêu KH. Tình hình tai nạn giao thông được kiềm chế, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững...
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND huyện Ninh Sơn, mặc dù đã đạt một số kết quả nhất định trong 9 tháng, nhưng nhìn chung, bức tranh kinh tế của huyện chưa thật khởi sắc đồng bộ, còn một số khó khăn, hạn chế nhất định, cần nỗ lực khắc phục để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH trong năm 2022. Theo đó, trong những tháng cuối năm, huyện tập trung vào những giải pháp cơ bản như: Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn tập trung rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành và địa phương, qua đó tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, gắn với tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, vật nuôi, nhằm phát triển toàn diện nông, lâm, thủy sản, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, xây dựng đã đạt được trong 9 tháng; phát huy tối đa năng lực sản xuất các cơ sở chế biến hiện có như: Sản xuất vật liệu xây dựng, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, điện... Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án để giải ngân hết vốn đầu tư công trong năm. Tăng cường quản lý khai thác tốt các nguồn thu, chống thất thu, thu nợ đọng và triển khai thực hiện việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách, cắt giảm các công trình đầu tư kém hiệu quả. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và môi trường; thực hiện tốt, kịp thời và đầy đủ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo KH đã được phê duyệt.
Nhật Nguyên