Chủ động ứng phó với bão Noru (bão số 4)

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, siêu bão NORU trên biển Đông với sức gió giật cấp 17 khi vào đất liền các tỉnh miền Trung sẽ gây mưa to từ chiều ngày 27/9. Nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do tác động của bão, các ngành địa phương đã khẩn trương triển khai các phương án chủ động ứng phó.

Theo báo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh, chủ động ứng phó với bão Noru, trên địa bàn tỉnh một số hồ chứa nước đang tiến hành xả điều tiết nhằm hạ thấp mực nước để chủ động ứng phó với khả năng mưa lớn trong thời gian tới. Cụ thể, 22 hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh với sức chứa trên 414 triệu m3 nước, hiện đang có 269 triệu m3. Các hồ chứa phổ biến có 60-70 lượng nước so với sức chứa. Hiện có 8 hồ chứa nước đang xả điều tiết lũ, trong đó có một số hồ đang có lượng nước từ thượng nguồn đổ về khá lớn. Đơn cử như hồ Sông Cái thuộc cụm công trình đầu mối hệ thống Thủy lợi Tân Mỹ đạt trên 60m3/s lượng nước về gần gấp đôi so với những ngày trước, lượng nước tại hồ đạt 184 triệu m3/220 triệu m3 so với dung tích thiết kế. Do đó, Ban quản lý hồ đã cho mở 5 cửa xả với lưu lượng nước qua tràn khoảng 30m3/s/cửa. Tại Hồ Sông Sắt lượng nước đã đạt 53/69 triệu m3; hiện đang được xả tràn hai cửa xả với khẩu độ 5cm, lượng nước qua tràn đạt 2m3/s. Hồ Trà Co lượng nước đạt 9,2/10,2 triệu m3, đang mở 2 cửa tràn, khẩu độ 30cm, lượng nước qua tràn trên 21m3/s…

Ông Phùng Hữu Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Để chủ động ứng phó với bão Noru và khả năng mưa lớn, trên địa bàn, Công ty đã triển theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; khai các phương án sẵn sàng ứng trực tại các hồ đập đầu mối các cụm kênh thủy lợi các đập dâng hệ thống kênh mương các trục tiêu để chuẩn bị ứng phó với mưa lũ xảy ra vận hành công trình theo quy trình được UBND tỉnh được duyệt để đảm bảo hệ thống công trình thủy lợi được hoạt động bình thường không có tác hại lớn của mưa lũ.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hồi 9 giờ ngày 26-9, toàn tỉnh đã có 1.839 phương tiện tàu thuyền đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; có 650 phương tiện, 4.958 ngư dân của tỉnh đang hoạt động trên biển và neo đậu ngoài tỉnh. Cụ thể có 349 phương tiện, 2.006 ngư dân của tỉnh đang hoạt động trên biển khu vực ven bờ Ninh Thuận; khu vực biển Bình Thuận có 95 phương tiện 921 ngư dân; khu vực biển Bà Rịa-Vũng Tàu 46 phương tiện, 502 ngư dân; Kiên Giang 150 phương tiện, 1.430 ngư dân. Không có phương tiện nào đang ở trong khu vực nguy hiểm. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông tin về bão Noru để có kế hoạch chủ động phòng tránh. Chiều tối 26/9, UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 4205/CĐ-UBND về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống bão số 4, theo đó nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 18 giờ cùng ngày để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân.

Ngư dân đưa tàu thuyền về neo đậu tránh trú bão Noru tại Cảng cá Đông Hải.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, toàn tỉnh hiện có 327 bè, với hơn 4.200 lồng và trên 400 lao động đang làm nghề nuôi biển. Trong nhiều giờ qua, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân và lao động trên các lồng, bè chằng chống, neo cột lồng bè lại thật chắc chắn rồi lên bờ tránh trú bão an toàn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 4, có tên Quốc tế Noru có cường độ mạnh cấp 13, giật cấp 16-17 trên Biển Đông. Vào ngày 27/9, khi vào gần bờ, cường độ bão Noru đạt cấp 12-13, bão hiện đang di chuyển trên biển hướng vào đất liền dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Bộ, có nguy cơ chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng. Tại tỉnh ta, trong 24 giờ qua, nhiều địa phương có mưa rào và giông rải rác.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó, trong đó, thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), không chủ quan với diễn biến của bão. Các Sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương đã phân công lực lượng trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó tại cơ sở; đồng thời tính toán sơ tán người dân tại nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở nguy hiểm… nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi có mưa lớn.