Đến với làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), chúng tôi ghi nhận diện mạo khu dân cư làng nghề truyền thống vùng đồng bào Chăm ngày càng phát triển. Nhiều năm nay, Nhà nước huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống điện, đường, dạy nghề, đổi mới quy trình nung gốm, nhà trưng bày, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng khang trang. Ngày 20/6/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghệ thuật làm gốm nơi đây vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời đang hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Làng nghề gốm Bàu Trúc cổ nhất khu vực Đông Nam Á trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan, nghiên cứu, mua sắm sản phẩm. Toàn làng hiện có 1 hợp tác xã (HTX), 4 Công ty TNHH, 9 cơ sở sản xuất, với 150 hộ thu hút trên 500 lao động hành nghề sản xuất gốm…
Các nghệ nhân Đàng Thị Mỹ Xinh và Đổng Thị Sữa chế tác gốm Chăm.
Thời điểm này, các cơ sở sản xuất gốm truyền thống đang gấp rút hoàn thành sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt để tham gia “Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” và sự kiện “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” năm 2022... Nghệ nhân Phú Thị Mỹ Xinh được lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời tham dự hội nghị lần này. Chị Mỹ Xinh chia sẻ niềm vui: Tôi rất mừng khi được mời ra Thủ đô tham gia Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội năm 2022. Tôi chuẩn bị chế tác nhiều sản phẩm gốm và đặt hàng cho các nghệ nhân trong làng sản xuất kịp thời chuyển ra Hà Nội trưng bày, giới thiệu. Tôi và nghệ nhân Đổng Thị Sữa chuẩn bị nguyên liệu đất sét làng Bàu Trúc đưa ra Hà Nội biểu diễn nghệ thuật chế tác gốm Chăm. Cùng đi với tôi còn có nghệ nhân Thiên Thị Thầm ở Mỹ Nghiệp do Ban tổ chức hội nghị mời tham gia biểu diễn dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm Ninh Thuận.
Chia tay làng gốm Bàu Trúc trong niềm hân hoan của các nghệ nhân, chúng tôi đến làng thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cũng đang nhộn nhịp chuẩn bị các sản phẩm gửi ra Hà Nội tham gia trưng bày tại hội nghị. Trao đổi với anh Phú Văn Ngòi, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, chúng tôi được biết nhờ phát triển mạnh mẽ nghề dệt thổ cẩm, được thị trường ưa chuộng, nên các gia đình trong làng nghề có cuộc sống no ấm, xây dựng nhà ở khang trang, nuôi dạy con cháu ăn học thành đạt. Hiện nay, HTX tiếp tục đầu tư phục hồi hoa văn cổ, đa dạng hóa sản phẩm và tái hiện quy trình dệt vải cổ truyền của đồng bào Chăm phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách. Liên kết với Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận đưa du khách đến thăm làng nghề với mục tiêu phấn đấu thu hút trên 20.000 lượt khách tham quan/năm. HTX vừa đầu tư kinh phí mua sắm manơcanh và trang phục của các vị chức sắc Chăm trưng bày tại HTX cho du khách tham quan.
Đến thăm gia đình chị Thiên Thị Thầm, gặp chị đang ngồi dệt thổ cẩm trước hiên nhà. Chỉ tay vào khung dệt lên nước bóng loáng, chị Thầm vui vẻ, nói: “Khung dệt thổ cẩm này truyền qua 3- 4 đời của gia đình em, từ bà nội truyền cho mẹ, rồi mẹ truyền lại cho em với nhiều hoa văn thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Chăm. Em rất vui được mời ra Thủ đô tham dự “Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” và sự kiện Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” năm 2022. Đây là niềm vinh dự cho bản thân em lần đầu tiên được đi máy bay ra Hà Nội tham dự hội nghị quan trọng của tỉnh nhà. Được lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tin tưởng, em nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt trách nhiệm của nghệ nhân dệt thổ cẩm Chăm Ninh Thuận. Bản thân em cùng các nghệ nhân quyết tâm hoàn thành tốt việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống Chăm theo chương trình hội nghị đề ra”.
Sơn Ngọc