Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, những năm qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều quyết tâm, nỗ lực triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Tạo động lực cho người nghèo vươn lên

Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp cụ thể theo các dự án thành phần của chương trình như: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.

Gia đình chị Pinăng Thị Huyết, đồng bào Raglai ở thôn Đá Bàn, xã Phước Tiến (Bác Ái) vừa được hỗ trợ xây nhà mới theo Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo. Không chỉ vậy, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương còn xét hỗ trợ một cặp bò sinh sản, giúp gia đình chị “an cư, lạc nghiệp”. Nhờ được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi và trồng trọt, mô hình trồng cỏ và nuôi bò phát triển ổn định, cuối năm 2024, chị tự nguyện đăng ký thoát nghèo.

Đồng bào Raglai thôn Xóm Bằng (Thuận Bắc) áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm nâng cao hiệu quả canh tác nha đam.

Thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, đến cuối tháng 11/2024, toàn tỉnh đã triển khai 106 dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng số 1.470 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia dự án. Các mô hình dịch vụ, sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Các địa phương còn lại chủ yếu là các mô hình nông nghiệp như chăn nuôi bò, dê sinh sản, trồng rau sạch hữu cơ, hỗ trợ ngư cụ,... Hiện nay, các mô hình chăn nuôi và sản xuất đều triển khai thực hiện tốt; một số hộ nuôi bò, dê đã sinh được bê, dê con; dự kiến kết thúc dự án sẽ thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai hiệu quả các chính sách về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, về giải quyết việc làm, học nghề... Từ đó đã tạo động lực mạnh mẽ để hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Những kết quả nổi bật

Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo mà tỉnh tập trung thực hiện đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giảm nghèo, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Trong đó xác định mục tiêu tổng quát thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Lê Đức Hoàng Sơn, Trưởng Ban Quản lý khu phố 10, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cho biết: Công tác tuyên truyền đã thực sự làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo. Người dân từ chỗ ngại thay đổi đã tích cực áp dụng các mô hình sản xuất mới thay thế phương thức canh tác lạc hậu trước đây. Những mô hình thực hiện hiệu quả giúp bà con thoát nghèo nhanh và bền vững được triển khai trên địa bàn như: Tư vấn hỗ trợ người dân đi làm việc ở các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh và xuất khẩu lao động, mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi dê, cừu vỗ béo... Nhiều hộ nghèo từ sự hỗ trợ, tiếp sức của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững như đào tạo nghề, hỗ trợ cây, con giống, triển khai các mô hình sinh kế đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn khu phố chỉ còn 4 hộ nghèo, giảm 12 hộ nghèo so với đầu năm 2024.

Mô hình trồng cỏ voi kết hợp nuôi bò vỗ béo giúp hộ nghèo xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) vươn lên ổn định cuộc sống. Ảnh: M.Thương

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, tỉnh đã triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,61% so với năm 2023, đạt 107% so với chỉ tiêu giao đầu năm. Địa phương có tỷ lệ giảm nghèo vượt kế hoạch cao nhất là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đạt 156%. Các huyện: Ninh Hải, Ninh Phước, Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam đều có tỷ lệ giảm nghèo đạt kế hoạch.

Đồng chí Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đời sống người dân từng bước được nâng lên, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản thiết yếu. Thời gian tới, để công tác giảm nghèo đạt được hiệu quả, đi vào chiều sâu cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Song song với chủ trương, quyết sách hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước, cần khơi dậy sức mạnh nội sinh, ý chí tự lực của người dân trong vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, phát huy mọi nguồn lực tập trung thực hiện công tác giảm nghèo đảm bảo lâu dài, bền vững.