Kế hoạch CĐS của ngành Ngân hàng thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Ninh Thuận; Quyết định số 2314/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Quyết định số 810/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam về phê duyệt Kế hoạch CĐS ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu cơ bản đến năm 2025, Chi nhánh NHNN tỉnh phấn đấu thực hiện 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng; 100% các chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý được ký chữ ký số và gửi thông qua hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; 100% giao dịch trên cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin “một cửa” của NHNN được xác thực điện tử; có ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN. Riêng đối với các tổ chức tín dụng, có ít nhất 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet); ít nhất 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động và ít nhất 70% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường số.
Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh giải quyết hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Văn Miên
Phấn đấu đến năm 2030, Chi nhánh NHNN tỉnh có ít nhất 70% hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN; 100% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng. Riêng đối với tổ chức tín dụng, có ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; ít nhất 80% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; ít nhất 70% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động; 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chi nhánh NHNN tỉnh đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện, bao gồm: (1) Chuyển đổi nhận thức, thúc đẩy hoạt động truyền thông, tăng cường kiến thức về CĐS trong ngành Ngân hàng. (2) Triển khai đồng bộ, quyết liệt các cơ chế, chính sách về CĐS trong hoạt động ngân hàng. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. (3) Trên cơ sở đó, toàn ngành tập trung phát triển hạ tầng số, nhằm hiện đại hóa hạ tầng thanh toán phục vụ CĐS, nâng cao khả năng kết nối liên thông với các ngành, lĩnh vực khác, nhằm mở rộng hệ sinh thái số và triển khai các dịch vụ thanh toán hiện đại, mô hình thanh toán mới, đáp ứng tối ưu nhu cầu của người sử dụng dịch vụ. (4) Xây dựng và triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử tại Chi nhánh NHNN tỉnh; trong đó tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát và vận hành nội bộ của NHNN; (5) Phát triển các dịch vụ ngân hàng số và mô hình ngân hàng số; trong đó chú trọng phát triển dịch vụ ngân hàng số dựa trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, ngân hàng lõi hiện đại, tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế, có khả năng kết nối liên thông, đáp ứng yêu quản trị điều hành, phù hợp với nhu cầu, năng lực và tiềm lực của tổ chức tín dụng. (6) Triển khai thực hiện khai thác hiệu quả dữ liệu số; (7) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Trong đó tập trung nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu và các hệ thống thông tin có trao đổi dữ liệu trên môi trường mạng, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. (8) Tập trung phát triển nguồn nhân lực trong toàn ngành về CĐS, bằng biện pháp triển khai, áp dụng chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức, trình độ về công nghệ thông tin và kỹ năng về CĐS. Tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về CĐS cho nhân lực ngành Ngân hàng.
Ngoài ra, Chi nhánh NHNN tỉnh còn tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp khác như: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong hoạt động đơn vị; tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp CĐS; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ số, nhằm hỗ trợ các sản phẩm CĐS chủ lực và doanh nghiệp thực hiện CĐS.
Nhật Nguyên