Đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch

Để tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) trong xã hội, đồng thời minh bạch hoá, hạn chế tối đa tiêu cực các giao dịch thanh toán và góp phần đẩy mạnh kinh tế số, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiều giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ thanh toán KDTM, qua đó đạt nhiều kết quả tích cực.

Với việc mở rộng các dịch vụ thanh toán điện tử của nhiều ngân hàng, công ty dịch vụ thanh toán, phương thức thanh toán KDTM đang trở nên phổ biến, thói quen của nhiều người dân trong giao dịch. Chị Nguyễn Thị Như Hải, ở phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Trước đây, khi đến kỳ nhận lương hằng tháng, tôi đến ATM để rút toàn bộ tiền lương để chi tiêu. Nhưng từ khi sử dụng phần mền ứng dụng ngân hàng số, ví điện tử, nhiều khoản chi tiêu được thanh toán thông qua chuyển khoản hoặc quét thẻ, nhất là mua sắm tại siêu thị, trả tiền điện, nước, điện thoại… Việc sử dụng phần mềm thanh toán điện tử trong giao dịch không chỉ rất tiện ích, nhanh, gọn, mà còn giúp tôi giảm đáng kể số tiền mặt rút từ ATM, không còn sợ rơi tiền mặt hay mất thẻ ngân hàng... như trước đây.

Bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Uyên Thu

Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 38,1% người dân có tài khoản thanh toán điện tử; tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng điện tử đạt 24,8%; 45,1% doanh nghiệp cho phép thanh toán trực tuyến; tỷ lệ số giao dịch tài chính của doanh nghiệp qua các kênh trực tuyến: e-banking, mobile- banking đạt 10,74%. Đến đầu tháng 8-2022, lượng thẻ thanh toán các tổ chức tín dụng đang lưu hành 419.474 thẻ, tăng 22.274 thẻ so với cuối năm 2021; trong đó thẻ nội địa 378.258 thẻ, chiếm 90,2% và thẻ quốc tế 41.216 thẻ, chiếm 9,8%. Tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng trong tháng 7 đạt 238.086 tỷ đồng/7.462.565 món; trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt đạt 156.416 tỷ đồng/4.864.604 món, tăng 54.015 tỷ đồng và tăng 1.283.570 món so với cùng kỳ. Ngoài tài khoản qua ngân hàng, nhiều người dân còn sử dụng các dịch vụ thanh toán số: ví điên tử, ví zalo, ví mono…

Về thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, Chi nhánh NHNN tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Đến nay việc tích hợp thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã kết nối, đi vào thanh toán. Chi nhánh NHNN tỉnh cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng lắp đặt mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ phục vụ cho việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng như: Thanh toàn viên phí, học phí... Đến nay, tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 90%, thanh toán tiền nước trên 98%, trả lương cho công chức, viên chức qua hệ thống ngân hàng đạt 100%...

Khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm tại các siêu thị.

Theo Kế hoạch số 1466/KH-UBND, ngày 8/4/2022 của UBND tỉnh về phát triển thanh toán KDTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán KDTM gấp 20 lần GRDP của tỉnh; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán KDTM đạt 35-40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán KDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 50%. Đối với thanh toán KDTM đối với dịch vụ công, phấn đấu từ 90 - 100% cơ sở giáo dục chấp nhận thanh toán học phí, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế và 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm được chi trả thông qua các phương thức thanh toán KDTM.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp, phân công nhiêm vụ, chỉ đạo các cấp, các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung vào các giải pháp: hỗ trợ chuyển đổi số; hoàn thiện cơ chế pháp lý, chính sách liên quan đến thanh toán KDTM; tăng cường thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, thanh toán KDTM, đặt biệt là trong các trường học, cơ sở giáo dục và các bệnh viện, cơ sở y tế. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho chuyển đổi số và thanh toán số. Mở rộng kênh thanh toán KDTM trên thiết bị di động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Ông Hồ Chu Vân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Thời gian tới, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng để phục vụ thanh toán KDTM. Cụ thể Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng không phát triển máy ATM vì đây là máy rút tiền mặt, mà sẽ chuyển đổi thành máy giao dịch autobank. Hiện nay đã có một số ngân hàng: ACB, Nam Á… đã chuyển đổi. Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh cũng khuyến cáo các ngân hàng thương mại dừng phát triển thẻ vật lý và chuyển sang phát hành thẻ gắn chip điện tử; đồng nghĩa với việc ngưng sử dụng máy POST và chuyển sang sử dụng máy quét QR POST để bảo đảm an toàn hơn. Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức ra quân chiến dịch tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho người dân về ý nghĩa, các chính sách thanh toán KDTM; phấn đấu đến năm 2025 vận động mở 20.000 tài khoản ngân hàng.

Nhằm đẩy mạnh thanh toán KDTM dịch vụ công, dự kiến trong tháng 10, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cùng UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tổ chức Lễ phát động đẩy mạnh thanh toán KDTM đối với dịch vụ công trên địa bàn thành phố, qua đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán KDTM đến doanh nghiệp và nhân dân. Theo ông Hồ Chu Vân, để nâng cao hiệu quả thanh toán KDTM dịch vụ công, cần có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân thực hiện các quy trình, thủ tục trong giao dịch, thanh toán, nâng cao hiệu quả thanh toán KDTM dịch vụ công.

Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, vừa qua, đã ban hành công văn hướng dẫn triển khai nhiều phương thức thu học phí KDTM qua hệ chương trình quản lý giáo dục. Theo đó, đơn vị chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương, trường học tuyên truyền để phụ huynh biết và tự do lựa chọn phương thức thanh toán học phí, cũng như các khoản thu khác phù hợp; khuyến khích, vận động phụ huynh thanh toán bằng các phương thức KDTM, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu kế hoạch về phát triển thanh toán KDTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.