Đồng chí Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Tình hình KT- XH của tỉnh trong 8 tháng năm 2022 tiếp tục phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Trong đó, ngành Công nghiệp (CN) được xem là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh với chỉ số sản xuất tăng 6,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng kể trên, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,17%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,17%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,95%; riêng ngành khai khoáng giảm 15,53%. Đáng chú ý là trong 21 sản phẩm giao kế hoạch (KH), có một số sản phẩm CN chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Nước yến và nước bổ dưỡng khác tăng 140,1%; tôm đông lạnh tăng 36,8%; quần áo các loại tăng 31,6%; thạch nha đam tăng 30%; bia đóng lon tăng 23,3%...
Nông dân Ninh Sơn thu hoạch lúa. Ảnh: X.Bính
Đối với nông nghiệp, trong vụ hè - thu năm nay toàn tỉnh gieo trồng trên 27.980 ha cây trồng các loại, tăng 4,5% so cùng kỳ, vượt 3% KH. Trong đó, cây lúa 15.735,7 ha, tăng 1.185,1 ha so với vụ hè - thu năm trước. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, vụ lúa hè - thu năm nay năng suất ước đạt 61,6 tạ/ha, sản lượng toàn vụ ước đạt 96.854 tấn, tăng 6.418 tấn. Trong vụ hè - thu toàn tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 538,98 ha, vượt 1,69% KH. Ngoài ra, toàn tỉnh có 10 mã vùng trồng được cấp với tổng diện tích 80,3 ha cho các DN và hợp tác xã phục vụ xuất khẩu. Toàn tỉnh đang thực hiện sản xuất 31 cánh đồng với 4.241,3 ha. Về sản xuất thủy sản tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả mới. Tính chung 8 tháng năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 102,7 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 6,2 nghìn tấn, tăng 0,1%; sản lượng khai thác đạt 96,5 nghìn tấn, tăng 1,9%. Sản l¬ượng giống thủy sản đạt 28,2 tỷ triệu con, tăng 3,9%; trong đó, tôm giống ước đạt 27,6 tỷ triệu con, tăng 1,8%.
Các ngành dịch vụ cũng có sự phát triển khá, tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 21.160,1 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 17.083,3 tỷ đồng, chiếm 80,7% tổng mức và tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.570,3 tỷ đồng, chiếm 12,1% và tăng 48,4%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 3,3 tỷ đồng, chiếm 0,02% và tăng 144,3%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.503,2 tỷ đồng, chiếm 7,1% và tăng 45,1%.
Về mặt bằng giá, so với tháng trước chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,31%. Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm có CPI tăng; trong đó: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng nhiều nhất với 2,09%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,25%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,02%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,47%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,28%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04%. Có 3/11 nhóm có CPI giảm, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất 4,51% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước vào ngày các ngày 1, 11 và 28-8-2022 làm cho giá xăng giảm 14,56% so với tháng trước; giá dầu diezel giảm 12,91%. Nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,4%; bưu chính, viễn thông giảm 0,37%. Duy nhất nhóm giáo dục có CPI không thay đổi.
Bám sát mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, trong 8 tháng năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ước đến cuối tháng 8 đã giải ngân đạt 1.095.000 triệu đồng/2.466.738 triệu đồng, đạt 44% KH, trong đó: Vốn trong nước 940.000 triệu đồng/1.536.438 triệu đồng, đạt 61% KH; vốn nước ngoài 155.000 triệu đồng/930.300 triệu đồng, đạt 17% KH. Các chỉ tiêu như: Thu ngân sách nhà nước trong 8 tháng ước đạt 2.649,4 tỷ đồng, đạt 75,9% KH; trong đó: Thu nội địa đạt 2.555 tỷ đồng, đạt 85,5% KH, tăng 13,6% và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 94,4 tỷ đồng, đạt 18,9% KH, giảm 87,7% so cùng kỳ.
Công nhân Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn) vào ca sản xuất. Ảnh: V.M
Về tình hình phát triển DN, trong 8 tháng có 346 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 12.020,6 tỷ đồng, tăng 38,4% số DN và số vốn đăng ký tăng 5,5 lần so cùng kỳ; trong đó số DN quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng đăng ký thành lập mới có 297 DN, chiếm 87,35%. Bình quân số vốn đạt 35,2 tỷ đồng/DN đăng ký mới, tăng 28 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó còn có 105 DN quay trở lại hoạt động, tăng 47,9% so cùng kỳ; nâng tổng số DN đang hoạt động đến ngày 19-8-2022 có 3.933 DN với tổng vốn 91.889 tỷ đồng.
Góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 8 tháng qua còn có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng. Ước đến cuối tháng 8 nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 20.800 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước, tăng 11,6% so với cuối năm 2021, đạt 99,6% KH năm. Tổng dư nợ cho vay đến nay đạt 36.400 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước, tăng 9,2% so với cuối năm 2021, đạt 94,95% KH năm 2022. Trong 8 tháng, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa, tín dụng hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, theo đó có 12/19 chính sách đã được thực hiện với 4.561 DN, hộ kinh doanh được hỗ trợ với số tiền 1.008 tỷ đồng và 2.742 cá nhân, hộ gia đình với số tiền 112,4 tỷ đồng; góp phần giảm bớt khó khăn cho DN, người dân để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để tiếp tục duy trì ổn định KT-XH, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2022, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH theo tinh thần Nghị quyết số 11 và 38 của Chính phủ. Trước mắt trong tháng 9 tập trung chỉ đạo sản xuất vụ hè - thu đạt hiệu quả cao nhất; điều tiết nước hợp lý gắn với thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai, bão lũ. Tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tập trung triển khai giải pháp đột phá ngành CN, chế biến, chế tạo, khoáng sản còn dư địa cho tăng trưởng; hiệu chỉnh và trình thẩm định hồ sơ mời thầu Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1; trình Bộ Công Thương thỏa thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cụm CN trên địa bàn huyện Thuận Nam trong Quy hoạch phát triển các khu, cụm CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chủ động triển khai các thủ tục đầu tư các dự án năng lượng tái tạo để sớm triển khai ngay sau khi Chính phủ ban hành các chính sách về năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, cần tập trung chỉ đạo đột phá vào các ngành dịch vụ, trong đó trọng tâm là ngành Du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; triển khai hiệu quả các giải pháp xúc tiến du lịch. Tiếp tục triển khai các nội dung hỗ trợ hình thành 1 điểm OCOP và 3 quầy hàng trưng bày sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh; KH nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm năm 2022. Rà soát tiến độ thực hiện các dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ, hoặc không có khả năng thực hiện; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân KH vốn đầu tư công, KH các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022. Tổ chức tốt khai giảng và triển khai năm học mới 2022-2023; chuẩn bị các điều kiện tổ chức Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Ninh Thuận lần thứ VII năm 2022. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, đôn đốc công tác nộp thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ. Tiếp tục rà soát, sắp xếp bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị các cấp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu..., nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà UBND tỉnh đã đề ra.
Linh Giang