Thuận Nam: Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển ngành muối

Đề án Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam xác định công nghiệp chế biến muối, sản phẩm sau muối, sản xuất xút - clo và PVC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện có hiệu quả. Nhiệm vụ trên đặt ra dựa trên cơ sở huyện Thuận Nam là một trong những địa bàn trọng điểm sản xuất muối của tỉnh và cả nước. Nghề làm muối ở địa phương trong những năm gần đây có bước phát triển với việc thu hút được doanh nghiệp (DN) lớn đầu tư công nghệ vào sản xuất muối công nghiệp theo quy mô hàng hóa.

Nghề làm muối ở Thuận Nam có từ hàng trăm năm nay, diện tích sản xuất muối là 1.871 ha, tập trung ở xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Minh. Muối Thuận Nam được đánh giá là chất lượng nhất trong các vựa muối với hạt muối trắng tinh khiết, độ mặn cao, là nguyên liệu chính làm nên nước mắm Cà Ná nổi tiếng. Để khai thác tiềm năng, lợi thế, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút được DN lớn là Tập đoàn BIM sản xuất muối công nghiệp cung cấp cho thị trường cả nước. Một số DN tận dụng thế mạnh nguyên liệu tại chỗ phát triển kinh doanh, chế biến muối tinh, muối tinh sấy, muối tinh iốt, muối sấy iốt... Sản phẩm muối của các DN chế biến muối được đánh giá có chất lượng cao và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Diêm dân Thuận Nam thu hoạch muối. Ảnh: Ngọc Diệp

Tuy vậy, ngành sản xuất và chế biến muối ở huyện Thuận Nam chưa phát huy hết thế mạnh vùng nguyên liệu muối của cả tỉnh. Phần lớn sản phẩm muối được bán nguyên liệu thô, sản phẩm muối chế biến chỉ dừng lại ở mức chế biến đơn giản, nên giá trị gia tăng còn thấp. Hạn chế này đặt ra nhiệm vụ cho huyện là phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm sau muối để tận dụng hết lợi thế chất lượng muối. Xác định tầm quan trọng của Đề án Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nên sau khi Đề án được ban hành huyện đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện, trong đó riêng ngành muối sẽ phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.

Để thực hiện đạt được mục tiêu của Đề án, huyện đề ra giải pháp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi có sự gắn kết, tham gia ngay từ đầu của DN từ khâu tổ chức tập huấn khoa học, kỹ thuật cho diêm dân, giám sát thực hiện các quy trình để cho ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến muối, sản xuất hóa chất sau muối. Quy hoạch lại đồng muối, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến muối thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất và chế biến muối. Cùng với đó, đầu tư cải tạo, nâng cấp đường giao thông nội đồng cho khu vực muối của diêm dân; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi cấp và thoát nước cho những đồng muối của diêm dân trong quy hoạch.

Ngày 31-8-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1325/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030 được thực hiện trên địa bàn 7 tỉnh ven biển, trong đó có Ninh Thuận. Dựa vào nội dung của Đề án, thời gian tới huyện Thuận Nam khuyến khích DN đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp hóa chất, nguyên liệu cho chế biến muối tinh cao cấp. Huyện mong muốn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị chế biến, phân tích chất lượng muối, mẫu mã, bao bì cho các cơ sở sản xuất chế biến muối; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; đồng thời, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại.