Qua 20 năm qua thực hiện Nghị định số 78, nguồn vốn TDCS cho vay trên địa bàn huyện Thuận Nam không ngừng tăng lên và ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. So với thời điểm năm 2010, số dư nợ hiện nay tăng gần 250 tỷ đồng, gấp 4,3 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 27,84%. Dư nợ bình quân đối với mỗi khách hàng đạt 36,3 triệu đồng, tăng 28,3 triệu đồng. Trong đó, dư nợ bình quân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 35 triệu đồng/hộ, tăng 26 triệu đồng/hộ.
Từ nguồn vốn TDCS, đã giúp cho 4.529 hộ nghèo, 5.727 hộ cận nghèo, 5.262 hộ mới thoát nghèo được vay vốn với doanh số cho vay hơn 421 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến thời điểm hiện tại là hơn 177 tỷ đồng. Cùng với đó, có 1.268 lao động được tiếp cận với nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm với tổng số tiền cho vay là hơn 33 tỷ đồng. Đến nay, dư nợ đạt hơn 17 tỷ đồng/495 khách hàng, tăng hơn 14 tỷ đồng so với năm 2010. Chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được triển khai từ năm 2007 cũng đã giải quyết cho 5.939 lượt hộ gia đình không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng không thể tiếp cận vốn tại các ngân hàng thương mại vì thiếu tài sản thế chấp được vay vốn với số tiền gần 148 tỷ đồng. Với mức lãi suất hợp lý, nguồn vốn này giúp cho các hộ dân có điều kiện đầu tư phát triển sinh kế. Bên cạnh đó, từ các chương trình cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, có hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Thuận Nam được vay vốn với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Nam hỗ trợ khách hàng giải quyết hồ sơ vay vốn tín dụng chính sách.
Song song với các chương trình TDCS phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, các chương trình tín dụng cho vay ưu đãi nhằm đảm bảo an sinh xã hội cũng được quan tâm, triển khai thực hiện tốt. Đến nay, doanh số cho vay học sinh, sinh viên đạt hơn 57 tỷ đồng/4.264 lượt đối tượng; giải quyết cho vay xây dựng hàng ngàn công trình nhà vệ sinh và công trình nước sạch với số tiền hơn 80 tỷ đồng; xây dựng được 779 căn nhà cho hộ nghèo an cư, lập nghiệp và phòng, tránh bão, lũ với số tiền là 6,6 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cho biết: Hàng chục ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được tiếp cận với nguồn vốn theo Nghị định số 78. Nguồn vốn TDCS cùng với các nguồn lực khác đã và đang góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, từng bước cải thiện điều kiện sống của người dân tại địa phương, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn. Qua đó, góp phần quan trọng trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Châu Não Văn Đoàn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Nam, cho biết: Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78, nguồn vốn TDCS đã phủ kín tất cả các thôn trên toàn huyện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Đặc biệt, vốn TDCS tập trung hướng vào địa bàn vùng sâu, vùng xa và các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn trên địa bàn, với tổng dư nợ cho vay tại các xã vùng khó khăn đạt hơn 197 tỷ đồng, với 6.297 hộ vay. Bám sát chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 của NHCSXH Việt Nam, sự chỉ đạo của cấp trên, thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn TDCS trên địa bàn đảm bảo kịp thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. Phấn đấu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện khi có nhu cầu sẽ được tiếp cận với nguồn vốn; tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm từ 7-10%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 99%, hiệu suất sử dụng vốn đạt 98%, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,6%.
Ngọc Diệp