Ngày 6-7 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 4 mã số vùng trồng (MSVT); trong đó, 1 mã số cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung tại thôn Suối Đá, xã Phước Tiến (Bác Ái) về sản xuất dưa lưới và 3 mã số cho Công ty TNHH Seagull ADC Ninh Thuận tại xã Phước Dinh (Thuận Nam) về sản xuất dưa lưới, dưa lê và bí hạt đậu. Việc cấp MSVT đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc, mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng các điều kiện để hướng tới xuất khẩu.
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung có vùng trồng dưa lưới với diện tích 2 ha, Công ty TNHH Seagull ADC Ninh Thuận có vùng trồng dưa lưới, dưa lê và bí hạt đậu với diện tích 10 ha. Đây là những đơn vị tiên phong về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có khát vọng lớn trong khai thác tiềm năng, lợi thế ở Ninh Thuận để sản xuất các mặt hàng nông sản đặc thù, có giá trị xuất khẩu. Thời gian qua, HTX và Công ty đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đồng thời, đầu tư hệ thống nhà màng để trồng dưa lưới và dưa lê phân phối cho các siêu thị và cửa hàng Bách Hóa Xanh ở khu vực miền Bắc và miền Nam.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xây dựng cho tỉnh những vùng sản xuất rau, quả có thế mạnh, HTX và Công ty đã lập hồ sơ đề nghị ngành chức năng cấp MSVT. Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Sau khi tiếp nhận hồ sơ của HTX và Công ty vào đầu tháng 5-2022, Chi cục đã thành lập Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra trực tiếp vùng trồng dưa lưới, dưa lê và bí hạt đậu của cơ sở sản xuất. Kết quả, 2 cơ sở sản xuất đã đáp ứng đầy đủ hồ sơ, thủ tục, có địa điểm sản xuất, bố trí nơi không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây ô nhiễm sản phẩm, có hệ thống giao thông đáp ứng theo yêu cầu, có thùng, bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, có quy trình sản xuất; chứng nhận VietGAP, sổ nhật ký canh tác ghi chép đầy đủ và chi tiết. Chi cục đã báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá vùng trồng và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp MSVT dưa lưới cho HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung và vùng trồng dưa lưới, dưa lê, bí hạt đậu cho Công ty TNHH Seagull ADC Ninh Thuận đạt yêu cầu. Hiện nay, Chi cục đã chỉ đạo phòng chuyên môn, Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện Thuận Nam, Bác Ái tiếp tục theo dõi, kiểm tra sinh vật gây hại và giám sát tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.
Cũng theo ông Phạm Dũng, việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những yếu tố quan trọng để dưa lưới, dưa lê và bí hạt đậu được cấp MSVT. Sau khi được cấp MSVT, HTX và Công ty đã thay đổi phương thức sản xuất theo hướng tích cực, sản phẩm có đầu ra rộng hơn và giá thành cũng cao hơn. Để phát huy giá trị của MSVT, thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chú trọng công tác tập huấn về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo duy trì ổn định hoạt động quản lý MSVT.
Anh Tùng