Hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID- 19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh

Ngày 2-8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID- 19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2022. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đồng chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, 7 tháng năm 2022 tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, nhất là đại dịch COVID-19 với nhiều biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh. Bên cạnh đó, các bệnh sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tiếp tục ghi nhận tại nhiều quốc gia. Đối với nước ta, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian qua từng bước được kiểm soát, đặc biệt công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã làm tốt được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, đối với các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn ghi nhận số ca nhiễm tăng cao cục bộ ở một số địa phương, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Tại hội nghị, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương đã trao đổi nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, tình hình tiếp nhận, cung ứng vắc xin, tiến độ tiêm phòng COVID-19 tại các địa phương trên cả nước. Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã triển khai một số nội dung liên quan đến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ và tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: K.Hân

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh việc tiêm vắc xin là biện pháp chủ động, hiệu quả để phòng dịch COVID-19, do đó các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vắc xin nhất là các mũi cơ bản và tăng cường cho trẻ 5-11 tuổi cũng như trẻ 12-17 tuổi; theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ liên quan đến phòng, chống dịch. Sớm phát hiện và điều trị các trường hợp mắc bệnh, hạn chế trường hợp bệnh chuyển nặng, tử vong; Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, đẩy nhanh hoạt động tiêm chủng; kịp thời xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng không để bùng phát dịch trong cộng đồng; hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của tiêm vắc xin phòng COVID-19 và các biện pháp chủ động trong phòng, chống dịch bệnh cho người dân…