Nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ
Những tháng đầu năm dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, các DN đã dần thích nghi và có những chiến lược phù hợp trong sản xuất, hoạt động kinh doanh, du lịch trở lại trạng thái “bình thường mới”. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả nên hoạt động sản xuất, kinh doanh dần sôi động trở lại.
Theo đó, giá trị sản xuất toàn ngành CN 6 tháng ước đạt 6.450 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Nhìn chung, các sản phẩm CN chủ lực của tỉnh đều có sản lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong 21 sản phẩm chủ lực, có 11 sản phẩm tăng trưởng khá, đáng chú ý là một số sản phẩm đóng góp cao trong cơ cấu CN chế biến phục hồi khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Cụ thể: Bia đóng lon tăng 14,3%, tôm đông lạnh tăng 70,7%, nha đam tăng 27,2%, nước yến tăng 33%, quần áo may sẵn tăng 6,1%...
Hoạt động chế biến tôm xuất khẩu của Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: H.Nguyệt
Hoạt động thương mại - dịch vụ có dấu hiệu tích cực nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh những tháng đầu năm. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động kích cầu, khuyến mãi của các DN, siêu thị và trung tâm thương mại nên kinh doanh thương mại - dịch vụ nhìn chung sôi động và có sự tăng trưởng khá, nhu cầu phục vụ sản xuất tăng, nhu cầu tiêu dùng, du lịch, dịch vụ... đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng tăng như: Xăng, dầu, vật liệu xây dựng, thực phẩm chế biến đã tác động làm tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 15.736,9 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 12.806,7 tỷ đồng, tăng 21,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.822,2 tỷ đồng, tăng 18%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 1,65 tỷ đồng, tăng 22,6%.
Đáng chú ý, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến của dịch COVID-19, chi phí vận chuyển tăng cao tại nhiều quốc gia... nhưng các hiệp định thương mại kinh tế với các nước phát triển trên thế giới đã làm cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn ghi nhận tiếp tục tăng trưởng, nhất là mặt hàng thủy sản đông lạnh. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 61,1 triệu USD, tăng 9,3% so cùng kỳ, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Thủy sản ước đạt 45,7 triệu USD, tăng 57% so cùng kỳ, nhân điều ước đạt 3,7 triệu USD.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN, cơ sở, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung - cầu trên địa bàn trong và ngoài tỉnh được triển khai tích cực đã giúp DN tiếp cận thị trường mới, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm như: Tổ chức trưng bày các sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại tỉnh Quảng Nam; tổ chức tham gia Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022; tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh...
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu 6 tháng cuối năm
Dù có nhiều kết quả tích cực, song dự báo những tháng cuối năm tình hình sẽ còn nhiều khó khăn, nhất là giá xăng, dầu và chi phí đầu vào tăng cao, cơ chế chính sách giá điện gió, điện mặt trời chưa được ban hành. Theo lãnh đạo Sở Công Thương, để đạt mục tiêu tăng trưởng của năm 2022, ngành Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm và quyết tâm thực hiện quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra.
Các chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2022 của ngành Công Thương gồm: Giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến cả năm đạt 12.677 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ năm 2021 và đạt 100% so kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phấn đấu đạt 27.800 tỷ đồng, tăng 15-16% so cùng kỳ, đạt 100% so kế hoạch. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 120 triệu USD, tăng 6% so cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch. Theo đó, ngành sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là hoàn thành phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, khởi công Dự án Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 - 1.500 MW; đẩy nhanh tiến độ cấp quyết định chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối để đưa dự án sớm khởi công trong năm. Bên cạnh đó, bám sát tiến độ xây dựng cơ chế, chính sách giá điện của Bộ Công Thương để kịp thời hướng dẫn nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các dự án năng lượng khởi công, đẩy nhanh tiến độ. Đối với việc phát triển thị trường, ngành sẽ hỗ trợ DN đẩy mạnh lưu thông, tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các hội chợ, triển lãm thương mại, phát triển thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch điện tử nhất là sản phẩm đặc thù.
Cùng với đó, Sở Công Thương tiếp tục công tác mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, chú trọng đối với hai mặt hàng chủ lực là chế biến tôm và nhân hạt điều. Nhằm đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, sở sẽ thường xuyên thông tin và dự báo về thị trường nông, thủy sản và phối hợp với các tỉnh có cửa khẩu xuất khẩu sang Trung Quốc như: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh để cập nhật theo dõi tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu với Trung Quốc và thông tin kịp thời cho các DN, hợp tác xã xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ để các DN triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, chợ theo quy hoạch nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân, góp phần phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh hiện đại.
Hồng Nguyệt