Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp), bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. 100 năm đã trôi qua, có quá nhiều sự đổi thay, nhưng Bến Nhà Rồng vẫn còn đó, và lý tưởng của người thanh niên ngày đó, và về sau là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam vẫn sáng mãi cùng non sông.
Bến Nhà Rồng là trụ sở thương cảng của Sài Gòn, nằm bên sông Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1863. Đây là một trong những công trình đầu tiên thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được đất này.
Bến Nhà Rồng là công trình có lối kiến trúc công sở phương Tây với hành lang bao quanh và những vòm cuốn, nhưng lại có mái mang nét kiến trúc phương Đông, Đặc biệt, trên đỉnh mái có trang trí đôi rồng kiểu lưỡng long chầu nguyệt - một lối trang trí phổ biến trên các kiến trúc truyền thống Việt Nam. Chính vì vậy, kiến trúc ấy được gọi là Nhà Rồng hay Bến Nhà Rồng.
Sau khi người Pháp thất bại ở Đông Dương năm 1954, Bến Nhà Rồng được chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý, Bến Nhà Rồng được tu sửa lại và trang trí hình rồng trên đỉnh mái được thay đổi hướng ra ngoài.
Cho tới trước năm 1975, Nhà Rồng vẫn được sử dụng như một kiến trúc công trình phục vụ cảng đường thủy của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau khi đất nước thống nhất, để ghi nhớ sự kiện ngày 5/6/1911, Bác Hồ đã ra đi từ Bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước, kiến trúc này được giữ lại làm di tích lịch sử, là khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 2/9/1979, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của Người, Nhà Rồng đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1945)”. Ngày 20/9/1982, UBND TP. Hồ Chí Minh ra quyết định chính thức chuyển “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh” chi nhánh TP HCM. Bảo tàng có nhiệm vụ sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tập trung nhấn mạnh vào sự kiện ra đi tìm đường cứu nước; và thể hiện mối quan hệ tình cảm của Bác Hồ với đồng bào, nhân dân miền Nam.
Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP HCM có hơn 11.000 tư liệu, hiện vật và 3300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày theo các chủ đề và chuyên đề gắn với sự nghiệp của Bác.
Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày nay cũng là một địa chỉ văn hóa tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - chính trị có ý nghĩa, gắn liền với cuộc sống. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động hội thảo, tọa đàm, nói chuyện, triển lãm, chiếu phim… liên quan đến đến Bác Hồ và các hoạt động văn hóa - xã hội khác của thành phố như lễ kết nạp Đảng, Đoàn; nơi sinh hoạt truyền thống của các tổ chức Đoàn, Đội, nơi phát động, ra quân của các phong trào cách mạng, phong trào tình nguyện của thanh niên thành phố.
Bến Nhà Rồng là một địa chỉ, một di tích đặc biệt của TP HCM, là nơi khởi đầu, gắn liền với con đường giải phóng dân tộc mà Bác đã đi. Đây là một dấu son của TP HCM nói riêng và của lịch sử Việt Nam nói chung.
Bến Nhà Rồng - hình ảnh quen thuộc đã đi vào tâm thức người Việt Nam
Chi tiết rồng trên mái công trình kiến trúc
Tượng người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Chàng trai trẻ đã ra đi tìm đường cứu nước
từ nơi đây ngày 5/6/1911, khi mới 21 tuổi, và sau này trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Không gian tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh lối sảnh chính.
Trên án thờ có tượng Bác Hồ bằng đồng, tay cầm tờ báo Nhân Dân.
Hai bên án thờ là câu đối:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.
Những bản Tuyên ngôn độc lập trong lịch sử Việt Nam:
Bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt (năm 1077) ;
“Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi (năm 1428)
và “Tuyên ngôn độc lập” của Bác Hồ (năm 1945).
Bản Tuyên ngôn độc lập Bác Hồ đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945
đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
- nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Không gian trưng bày theo chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh,
nhà hoạt động quốc tế lỗi lạc, nhà hoạt động ngoại giao xuất sắc”.
Nơi đây trưng bày những hình ảnh về Bác trong sự nghiệp hoạt động quốc tế,
hoạt động ngoại giao; cùng rất nhiều những kỷ vật do bạn bè quốc tế khắp năm châu tặng.
Không gian trưng bày theo chủ đề “Nhân dân Việt Nam thực hiện theo
di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam,
thống nhất hoàn toàn Tổ Quốc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất,
độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng
của nhân dân thế giới (1969 đến nay)”.
Những người tới thăm Bến Nhà Rồng, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam;
có lẽ đều có những tình cảm, tâm tư sâu lắng chứ không chỉ như tới một điểm
tham quan thông thường.
“Trên ngực áo này không một tấm huân chương và sau làn vải ngực áo này có một trái tim…”
Chiếc xe hiệu Peugeot do Việt kiều Pháp Novelgelang (thuộc địa Pháp)
đã gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1964).
Không gian trưng bày lôi cuốn nhất, xúc động nhất và cũng đặc biệt nhất ở Bến Nhà Rồng, khác với những Bảo tàng, khu lưu niệm Bác Hồ ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam cũng như trên thế giới; là không gian chuyên đề “Tình cảm của Bác Hồ với miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam với Bác Hồ”. Kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng năm 1911, trở về lãnh đạo đất nước dành độc lập, kháng chiến chống Mỹ; Bác Hồ chưa quay lại miền Nam. Bác nói: “Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”. Đối với nhân dân miền Nam, ước mơ đón Bác vào thăm ngày nước nhà thống nhất đã không thành hiện thực khi Bác ra đi mà đất nước vẫn còn chia cắt…
Những hình ảnh thương tiếc Bác Hồ của nhân dân miền Nam tháng 9/1969,
khi Bác đi xa mãi mãi.
Áo mặc để tang Bác Hồ trong nhà lao Thủ Đức của bà Thiều Thị Tạo
(số 15 công trường An Đông, Q5, TP HCM)
Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa tạp chí Newsweek, số ra 20/2/1967.
Tấm ảnh này được ông Phan Ngọc Đồi (số nhà 36, đường Hoàng Văn Thụ, Đà Nẵng)
dùng để thờ trong gia đình từ năm 1969.
Tình cảm của nhà văn, nhà thơ và nhân dân Miền Nam với Bác qua những trang sách.
Tác phẩm Bác Hồ - Bác Tôn (Chủ tịch Tôn Đức Thắng)
của tác giả Lý Châu Hoàn (ĐH Mỹ thuật TP HCM).
Cặp bình có hình Bác Hồ và Bến Nhà Rồng do Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai
tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP HCM) nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày
Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (2005).
Mô hình tàu Amiral Latouche Tréville - con tàu Bác Hồ đã lên từ Bến Nhà Rồng,
bắt đầu hành trình cứu nước do em Nguyễn Vũ Phước (507 Hoàng Văn Thụ, TP HCM)
kính tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP HCM).
Với tình cảm sâu nặng của nhân dân Miền Nam dành cho Bác Hồ như vậy, nên khắp các tỉnh thành miền nam nơi đâu cũng có đền thờ Bác. Ở Bến Nhà Rồng có một không gian trưng bày chuyên đề: “Đền thờ Bác Hồ ở Nam Bộ”.
Bản đồ hệ thống đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các tỉnh Nam Bộ.
Tỉnh thành nào cũng có đền thờ Bác Hồ, trong đó ở mũi đất xa nhất,
tận cùng Tổ quốc là Cà Mau có nhiều nhất với 17 đền thờ.
Đền thờ Bác Hồ ở huyện Ngọc Hiển, Cà Mau đang xây dựng sau khi Bác mất (1969)
100 năm qua, Bến Nhà Rồng còn đó, là một điểm son của lịch sử Việt Nam.
Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng với những hoạt động văn hóa, hội thảo, triển lãm…
của thành phố. Ảnh: Triển lãm tranh “Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy”.
Trước Bến Nhà Rồng là một thành phố đang vươn mình về tương lai
Bến Nhà Rồng - nơi đó cũng tỏa ngát hương sen…
Nguồn Báo điện tử Đài TNVN