Tại nghị trường, đồng chí Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng việc xây dựng, ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là cần thiết nhằm thể chế hoá quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ và phương châm: Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân giám sát, Dân thụ hưởng, hướng đến xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng chí Chamaléa Thị Thủy tham gia một số ý kiến như sau:
Đồng chí Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại nghị trường.
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh
Cá nhân Tôi cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là doanh nghiệp thì chỉ nên áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước (là đơn vị sử dụng nguồn lực nhà nước), việc mở rộng đối tượng điều chỉnh là các loại hình doanh nghiệp khác, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động theo Tôi là quá rộng và cũng khó thực hiện được trong thực tế.
Bởi vì: bản chất trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp được xác lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận theo hình thức và nội dung phù hợp với quy định của pháp luật về lao động (thể hiện cụ thể trong Hợp đồng lao động theo Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành..). Và nếu như có phát sinh các mâu thuẫn, xung đột thì cơ chế giải quyết theo quy định pháp luật có liên quan (Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn...) hiện nay cũng cơ bản đáp ứng, chưa có gì vướng mắc. Vì vậy, quy định về việc thực hiện dân chủ tại Doanh nghiệp như trong dự thảo Luật là chồng chéo, trùng lặp, có khả năng gây khó khăn cho các Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài Nhà nước trong quá trình thực hiện, vừa không đúng bản chất của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. (Tôi ví dụ như quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 45 dự thảo quy định về những nội dung mà người sử dụng lao động phải công khai là: "Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động". Tuy nhiên trong thực tế, "tình hình" này đôi lúc cũng cần phải giữ kín nếu doanh nghiệp tạm thời có khó khăn gì đó, mà nếu cứ bắt buộc phải công khai thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động, cũng như ảnh hưởng đến "uy tín" trên thị trường của doanh nghiệp đó, vô hình chung lại gây khó khăn cho Doanh nghiệp. Vì vậy Tôi đề nghị cần cân nhắc về vấn đề này.
Thứ hai, về những nội dung Nhân dân bàn và quyết định (Điều 13)
Tại khoản 6, Điều 13 dự thảo đưa ra nội dung “Các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.”. Theo Tôi quy định này cần cân nhắc bởi các lý do sau: cộng đồng dân cư là nơi tập trung của đa dạng, phong phú các trình độ nhận thức, văn hóa, chính trị, xã hội; mỗi cá nhân đều có cách suy nghĩ, cách hiểu về luật pháp khác nhau; nếu việc quy định không rõ ràng các nội dung cộng đồng dân cư được bàn và quyết định thì khái niệm “các công việc khác” sẽ được hiểu theo các cách khác nhau và dễ đi đến các quyết định trái pháp luật mà ngay cả cộng đồng dân cư cũng không nhận ra. Thực tế đã xảy ra các trường hợp “phép vua thua lệ làng”; cộng đồng dân cư tự bàn và đưa ra các quy định trái pháp luật (VD: lập rào chắn không cho xe vận chuyển trong các đường làng, thôn, xóm; thu các loại phí ngoài quy định…) mà khi chính quyền cơ sở biết được thì có những sự việc đã đi quá xa, gây hậu quả cho xã hội. Do vậy, tại quy định này, tôi đề nghị phải nghiên cứu cụ thể về “các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư” để bảo đảm cho Nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp (bàn và quyết định) của mình theo Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, phải có chế tài cụ thể đối với các hành vi sai trái; trách nhiệm người đề xuất “các vấn đề nội bộ của cộng đồng dân cư”; trách nhiệm của chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Do vậy, tôi đề nghị sửa lại khoản 6, Điều 13 theo hướng cụ thể như sau: “Các vấn đề tác động đến môi trường; sức khỏe của cộng đồng; trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích cộng đồng dân cư nhưng không được trái với quy định của pháp luật và phải phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội”.
Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận dự Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Thứ ba, việc quy định về Thanh tra nhân dân (Chương V)
Tôi cho rằng để thực hiện dân chủ ở cơ sở thì vai trò kiểm tra, giám sát của Nhân dân ở cơ sở là cần thiết và cần phải quy định tại Luật Quy chế Dân chủ cơ sở là phù hợp. Tuy nhiên quy định như thế nào và tên gọi như thế nào cho phù hợp với bản chất của hoạt động này thì cần phải nghiên cứu thêm.
Dự thảo Luật định nghĩa (tại khoản 5, Điều 2): “Thanh tra nhân dân là hình thức kiểm tra, giám sát của Nhân dân...”, như vậy, bản chất của hoạt động này là “hình thức để thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát nhân dân”. Hiện nay, trong xu hướng phân định ngày càng rõ ràng các hoạt động “thanh tra”, "kiểm tra", "giám sát" thì việc sử dụng tên gọi cho các hình thức này cần chính xác. Nếu vẫn tiếp tục sử dụng tên gọi "Ban thanh tra nhân dân" là chưa phù hợp với bản chất của hoạt động kiểm tra, giám sát của Nhân dân theo quy định của Luật này. Vì vậy, cần nên nghiên cứu quy định tên gọi phù hợp (ví dụ Ban kiểm tra, giám sát nhân dân).
- Về quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân: theo dự thảo Luật quy định, Ban thanh tra nhân dân chỉ có quyền Kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó, nhưng không quy định trách nhiệm của "người có thẩm quyền" nếu không thực hiện việc xử lý đối với kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân và cũng chưa quy định trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân nếu lợi dụng quyền dân chủ để kiến nghị không đúng thực tế và không đúng quy định của pháp luật.
Do vậy, để khắc phục tính hình thức, chưa bảo đảm thực chất trong hoạt động kiểm tra, giám sát của Nhân dân, dự thảo Luật cần phải có quy định cụ thể hơn về việc tiếp thu, xử lý các kiến nghị và xác định rõ trách nhiệm giải trình, chế tài đối với người có thẩm quyền xử lý "kiến nghị" của Ban thanh tra nhân dân. Đồng thời cũng cần quy định việc xử lý hành vi lợi dụng dân chủ.
Thứ tư, về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở
Tôi cho rằng để đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả thì việc quy định cơ chế để thực hiện cần phải rõ ràng. Chẳng hạn cần quy định rõ hơn về các hình thức kiểm tra, giám sát; quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức nào hỗ trợ khi người dân gặp vấn đề khó khăn trong việc thực hiện quyền kiểm tra, giám sát; cần quy định rõ hiệu lực của kiến nghị sau kiểm tra, giám sát và trách nhiệm thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân… Đồng thời, cần phải quy định về cơ chế phối hợp của các cơ quan; đơn vị; MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đảm bảo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một cach hiệu quả, thực chất.
Thứ năm, về trách nhiệm, vai trò của UBMTTQVN các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội
Với phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ” thì vai trò của UBMTTQVN các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội là rất quan trọng trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa phản ánh được một cách rõ nét, đầy đủ vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức để Nhân dân thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở. Do đó, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc “làm nòng cốt” để người dân thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở theo hướng như: vai trò, trách nhiệm trong việc hướng dẫn, chủ động hỗ trợ Nhân dân thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở theo đúng quy định của pháp luật; chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện hiệu quả các vấn đề cần “dân bàn, dân kiểm tra, dân quyết định…” đúng theo quy định pháp luật; vai trò của Mặt trận trong giám sát việc thực hiện các vấn đề dân quyết định, dân kiến nghị, yêu cầu; các phương thức để thực hiện các hoạt động giám sát xã hội theo các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu của nhân dân; hỗ trợ Nhân dân tham gia đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân đi vào thực chất và có hiệu quả…
MH