Phần cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị; phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Khánh Hòa tạo điều kiện, động lực để tỉnh phát triển bứt phá trong thời gian tới; khai thác phát huy hết tiềm năng, lợi thế để phát huy thế mạnh của mình trở thành cực tăng trưởng của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cũng là đảm bảo mục tiêu phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng cho biết, trong quá trình nghiên cứu các cơ chế, chính sách tập trung bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội, đồng thời tương thích với các cơ chế, chính sách Quốc hội đã cho phép thí điểm tại 8 tỉnh trước đây áp dụng; phù hợp với vai trò, vị trí, điều kiện thực tế của tỉnh Khánh Hòa; đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thể hiện đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) là phải có cơ chế, chính sách mạnh hơn đối với Khánh Hòa, Bộ trưởng cho biết, với tư cách là cơ quan chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với tỉnh Khánh Hòa và các bộ, ngành, các chuyên gia nghiên cứu rất kỹ và tìm ra những cơ chế vượt trội, mang tính đột phá để giúp cho Khánh Hòa bứt phá trong thời gian tới. Trước mắt, Chính phủ chọn ra 11 nhóm chính sách đã nêu trong Tờ trình, trong đó có 7 chính sách tương đồng với các chính sách của 8 tỉnh được cho phép thí điểm và 4 chính sách mới và được nhiều đại biểu đồng tình.
Giải trình về việc cho phép điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản của Khu kinh tế Vân Phong để thực hiện trước, Bộ trưởng cho biết, từ khi bắt đầu lập chủ trương đầu tư cho đến khi giải phóng mặt bằng dự án phải thực hiện 6 bước. Nếu thực hiện trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn dự án sẽ rút ngắn được 6-12 tháng, còn quy trình vẫn giữ nguyên để đảm bảo đúng quy định, đúng quyền lợi của người dân bị thu hồi đất.
Về thí điểm tách đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, hiện Quốc hội đã cho chủ trương và giao cho Chính phủ nghiên cứu và báo cáo Quốc hội về vấn đề này. Bộ trưởng đề nghị trong quá trình nghiên cứu xin phép Quốc hội cho Khánh Hòa được thí điểm thực hiện trước, nếu được sẽ rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng và cũng là điều kiện hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có chiến lược để thực hiện các dự án lớn.
Về cơ chế chính sách đối với Khu kinh tế Vân Phong, Bộ trưởng cho biết, Vân Phong có một vị trí hết sức đặc biệt thế nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ, trong khi Việt Nam đang muốn có các nhà đầu tư lớn, đầu tư chiến lược, dự án lớn, quy mô lớn, có tính lan tỏa, có tính dẫn dắt, có tính đột phá. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết đặt vấn đề tiếp cận theo hướng xác định các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án lớn và đã có một loạt giải pháp như đã báo cáo trong Tờ trình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng tiếp thu ý kiến đại biểu về việc cần có cam kết bảo vệ môi trường đối với nhà đầu tư chiến lược để bổ sung dự thảo Nghị quyết; Về các chính sách ưu đãi áp dụng bình thường đúng như quy định của Điều 15 Luật Đầu tư, cũng như các điều kiện của các nhà đầu tư trong các khu kinh tế. Ngoài ra, có hai hạng mục chính sách bổ sung thêm gồm: được trừ phần trăm chi phí cho nghiên cứu phát triển trong khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được ưu đãi, ưu tiên về các thủ tục hải quan, thuế trong với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đối với Quỹ phát triển nghề cá của Khánh Hòa, Bộ trưởng cho biết: Đây là quỹ của quốc gia thuộc loại hình quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được Chính phủ thành lập và giao cho Khánh Hòa quản lý, nhằm thu hút và phân bổ các nguồn lực thực hiện các dự án, công trình ngoài khơi, nhất là các hạ tầng cho nghề cá, hạ tầng cho đánh bắt ngoài khơi, phòng chống thiên tai, bão lũ…
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến hoàn thiện các cơ chế chính sách đối với các vùng khác như vùng Tây Nguyên và trung du miền núi phía Bắc để tạo sự phát triển đồng đều trong cả nước.
* Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua làm việc khẩn trương, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, đã có 15 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường, có 1 ý kiến tranh luận và 9 ý kiến thảo luận chưa phát biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu chưa phát biểu gửi ý kiến bằng văn bản tới Ban Thư ký để tổng hợp ý kiến thảo luận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đa số ý kiến nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, tạo thêm nguồn lực và điều kiện phát triển tỉnh Khánh Hòa thành một cực tăng trưởng trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo và có ý nghĩa quan quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào nhiều nội dung trọng tâm như: tổng kết, đánh giá các chính sách đang thí điểm trước khi ban hành Nghị quyết; mở rộng nội dung hỗ trợ huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và rừng sản xuất; việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; xác định nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược, chế tài xử lý khi nhà đầu tư chiến lược không thực hiện cam kết; quy định trách nhiệm về bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh…
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo TTXVN/Báo Tin tức