Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua phần nào ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh. Trong trạng thái “bình thường mới” hiện nay, các địa phương đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí NTM đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2022 và mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.

Trong thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai trong bối cảnh có nhiều khó khăn do tác động tiêu cực kéo dài của dịch COVID-19 đến đời sống, sản xuất của người dân; Chương trình chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ tiêu chí NTM các cấp chưa được ban hành; nguồn vốn bố trí cho Chương trình chậm và thấp so với nhu cầu... nhưng các ngành, các cấp đã nỗ lực, phối hợp huy động, lồng ghép các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vệ sinh môi trường... Nhờ đó, chất lượng tiêu chí các xã, huyện đạt chuẩn NTM cơ bản được duy trì, giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng tiêu chí; tiêu chí bình quân tăng 0,25 tiêu chí/xã. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã huy động 617,8 tỷ đồng để thực hiện các nội dung của chương trình. Kết quả năm 2021 có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Lợi Hải, Mỹ Sơn, Phước Minh) và 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), Tri Hải, Tân Hải, Xuân Hải (Ninh Hải).

Đường đến các khu du lịch ở huyện Ninh Hải được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Phan Bình

Theo kế hoạch, năm 2022, toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu có thêm từ 2-3 xã đạt chuẩn NTM và 4-5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Để triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tham mưu hoàn thành các văn bản phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành như xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện một số nội dung xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Đề án xây dựng NTM tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 và Bộ tiêu chí NTM cấp xã, thôn.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay, trên cơ sở các quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí NTM các cấp, Sở NN&PTNT đang phối hợp cùng các ngành, địa phương xây dựng Bộ tiêu chí NTM cấp xã, thôn và Đề án NTM tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Mặt khác phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025. Kiện toàn hệ thống văn phòng điều phối NTM và bộ máy giúp việc các cấp theo hướng kế thừa bộ máy đã được xây dựng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất về vị trí, chức năng, nhiệm vụ; đảm bảo chuyên trách, chuyên nghiệp. Mặc dù, hiện nay, nguồn vốn Chương trình chưa được phân bổ nhưng các địa phương đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn khác, huy động doanh nghiệp, người dân, cộng đồng dân cư,... để tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Trong ảnh: Công nhân chăm sóc cây trồng tại trang trại dưa lưới của Công ty Seagull ADC Phước Dinh (Thuận Nam).

Thực hiện mục tiêu của Chương trình, đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ phấn đấu có ít nhất 4 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Các huyện Ninh Phước, Ninh Hải tiếp tục duy trì, giữ vững các tiêu chí đáp ứng Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, đồng thời xây dựng thêm 2 huyện Ninh Sơn, Thuận Nam đạt chuẩn huyện NTM. Đối với cấp xã, phấn đấu có ít nhất 38 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ở cấp thôn, phấn đấu có 85% số thôn đạt chuẩn NTM. Do đó tỉnh đang tập trung các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững. Chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM như môi trường, an toàn thực phẩm, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP; chuyển đổi số trong xây dựng NTM, phát triển du lịch nông thôn...

Bên cạnh đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai chương trình, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước được phân bổ đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng NTM giữa các vùng, miền; lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn để hỗ trợ thực hiện hoàn thành các mục tiêu; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Để triển khai chương trình hiệu quả, đảm bảo đạt được mục tiêu giai đoạn 2021-2025, UBND các huyện, thành phố cần chủ động triển khai tổ chức thực hiện trên địa bàn cấp huyện; chỉ đạo các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao duy trì, giữ vững chất lượng tiêu chí, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 không để bị thu hồi danh hiệu đạt chuẩn NTM.