Hiệu quả Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số” được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai năm 2018. Bên cạnh việc hỗ trợ bò giống, dự án còn tập trung đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên để hướng dẫn các hộ được hưởng lợi kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho đàn bò. Qua gần 4 năm thực hiện, dự án đã mang lại hiệu quả rất khả quan, giúp người dân các xã khó khăn, dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh dần cải tạo chất lượng đàn bò.

Năm 2019, gia đình bà Pinăng Thị Ôi, ở thôn Hà Lá Hạ, xã Phước Thắng (Bác Ái) được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 1 con bò cái giống Rahman để phát triển chăn nuôi, nhờ được đội ngũ kỹ thuật viên hướng dẫn cách chăm sóc và phòng bệnh, nên bò sinh trưởng tốt và chỉ 1 năm sau đã sinh được 1 bê đực có trọng lượng gấp đôi so với bò vàng địa phương. Nhận thấy khâu chọn giống có vai trò quan trọng đối với hiệu quả chăn nuôi, gia đình bà mạnh dạn mua thêm một con bò đực giống Rahman để cải tạo chất lượng đàn bò, đến nay đàn bò của gia đình bà đã có 5 con bê con F1 giống Rahman, hiệu quả kinh tế mang lại rất khả quan. Bà Ôi, phấn khởi chia sẻ: Con bò cái giống Rahman được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho gia đình tôi đã đẻ được một lứa, hiện nay đang mang thai lại gần 3 tháng rồi, tôi thấy giống bò này sinh ra bê con rất đẹp, thể trạng lớn hơn nhiều so với bò vàng địa phương nên giá trị kinh tế mang lại cũng sẽ cao hơn bò vàng. Vừa rồi gia đình bán một con bò đực F1 hơn 1 năm tuổi được 35 triệu đồng để người ta làm giống. Hiện gia đình đã có bò đực và bò cái giống Rahman để phối giống nên trong tương lai đàn bò của gia đình sẽ được cải tạo về chất lượng đàn.

Nhờ hưởng lợi từ dự án, đàn bò của gia đình bà Pinăng Thị Ôi ở thôn Hà Lá Hạ, xã Phước Thắng (Bác Ái)
dần được cải tạo, nâng cao chất lượng.

Cùng chung niềm vui với gia đình bà Ôi, từ ngày được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 1 con bò cái giống Rahman để chăn nuôi, đến nay gia đình chị Chamaléa Thị Hà, ở thôn Ma Oai đã có 1 con bê đực giống Rahman F1 để làm giống và bò mẹ đang mang thai lại. Chị Hà cho biết: Từ ngày bò mẹ sinh được bê con gia đình rất vui, hiện bê con đã được hơn 1 tuổi rồi, vóc dáng và thể trạng rất đẹp, trọng lượng cũng được gần 1 tạ rồi, thấy giống đẹp nên bà con trong thôn thường qua xem và dặn mai mốt cho phối giống với bò cỏ địa phương để lai tạo đàn bò chất lượng hơn.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số” thực hiện tại các xã: Mỹ Sơn (Ninh Sơn), An Hải (Ninh Phước) và Phước Thắng (Bác Ái). Từ 30 con bò sinh sản và 6 con đực giống Rahman ban đầu, đến nay đã có 30 bê con thuần chủng F1 giống Rahman, 500 con bò lai F2 được sinh ra, nhờ đó đã giúp các địa phương được hưởng lợi từ dự án dần cải tạo chất lượng đàn bò trên diện rộng. Ông Nguyễn Hữu Khương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Sau một thời gian triển khai, đến nay dự án đã mang lại hiệu quả rất khả quan. Các hộ được hưởng lợi từ dự án đã thấy được lợi ích kinh tế của việc lai tạo giống với kỹ thuật chăn nuôi là chìa khóa để phát triển chăn nuôi hiệu quả. Từ nguồn bò giống hiện có ở các địa phương, hiện nay nhiều hộ bà con đã tích cực liên hệ đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo từ dự án để lai tạo giống nhằm giúp đàn bò dần được cải tạo, nâng cao chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi trong tương lai.