Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị "Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở"; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, Nhân dân về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của trung ương, của tỉnh, các chủ trương của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị, đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC huyện nêu cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trong tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo đôn đốc các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc cụ thể hóa và thực hiện QCDC ở các loại hình; hướng dẫn cơ sở tổ chức sơ kết, tổng kết theo định kỳ 6 tháng và một năm; chủ động nắm bắt tình hình địa phương, tập trung giải quyết những vụ việc nổi cộm, bức xúc của Nhân dân.
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người dân tại bộ phận “một cửa” của UBND xã Phước Diêm.
Ảnh: V.N
Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, UBND hai cấp trong huyện quan tâm phát huy đúng mức vai trò của người dân; việc công khai, dân chủ, minh bạch được thể hiện tốt ở các dự án, các công trình trọng điểm, các chính sách an sinh xã hội. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Các quy trình được cụ thể hóa, giảm thiểu các thủ tục rườm rà không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, từng bước nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, đem lại sự hài lòng cho tổ chức và cá nhân. HĐND hai cấp có nhiều đổi mới trong hoạt động, tổ chức tốt các kỳ họp, quyết nghị ban hành nhiều nghị quyết quan trọng. Các kiến nghị bức thiết của cử tri được lãnh đạo trực tiếp xuống địa bàn để tiếp xúc, nghe phản ánh, giải quyết. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), các nghị quyết quan trọng, những vấn đề được dư luận, cử tri, Nhân dân quan tâm. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sâu sát cơ sở, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp...
Ở cấp xã, chính quyền và Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC các địa phương thực hiện các nội dung được quy định trong Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” và việc công khai, dân chủ các nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân... Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng phát huy tốt quyền giám sát của mình về phát triển KT-XH ở địa phương; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, quy hoạch; kế hoạch triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn đều được giám sát chặt chẽ. Đến nay, hầu hết các địa phương luôn nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch, niêm yết tại trụ sở thôn, xã các nội dung công việc liên quan đến nhiệm vụ chính trị của địa phương, quyền lợi, nghĩa vụ công dân để Nhân dân biết, bàn bạc và tham gia, cụ thể như: Các dự án, công trình đầu tư, phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư liên quan đến dự án, quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất, quy ước, hương ước thôn... Thường xuyên cập nhật đúng, đủ, kịp thời thủ tục hành chính mới công bố, đồng thời thực hiện niêm yết công khai tại bộ phận “một cửa”, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính; thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đúng quy trình, quy định.
Kết quả, trong năm 2021 và 4 tháng năm 2022, Ban Tiếp công dân huyện và UBND các xã đã tiếp 265 lượt người và 6 đoàn đông người đến phản ánh các vấn đề liên quan đến tình hình mua bán, sang nhượng, xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm đất đai; việc tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tại các dự án, xử phạt vi phạm hành chính... Tiếp nhận 315 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; trong đó thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện là 153 đơn, kết quả giải quyết 127/153, đạt 75%. Cấp xã tiếp nhận 157 đơn, thuộc thẩm quyền giải quyết 95 đơn và kết quả giải quyết đạt 54,3%. Bộ phận “một cửa” hai cấp cũng tiếp nhận 12.379 hồ sơ; trong đó giải quyết 12.069 hồ sơ, đạt 97,3%.
Từ thực tiễn cho thấy việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở đã tác động tích cực và tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức và Nhân dân; bầu không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, mở rộng; phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” ngày càng được cụ thể thành những việc làm thiết thực, hiệu quả; vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân được phát huy thông qua tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước... góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong toàn huyện ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Để các ngành, các lĩnh vực và các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy tối đa dân chủ, Huyện ủy Thuận Nam đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới là đẩy mạnh việc tuyên truyền và quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của trung ương về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW và Quy định số 124-QĐi/TW của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, nhất là trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, đột xuất của người đứng đầu gắn với việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo với Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp. Tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với đảng viên, cán bộ, viên chức, công chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở các cấp; tăng cường đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện QCDC theo các loại hình ở địa phương, đơn vị, nhất là thực hiện dân chủ trong cộng đồng, doanh nghiệp.
Diễm My