Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tai nạn, thương tích (TNTT), đặc biệt là tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống TNTT và đuối nước trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng đơn vị. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn còn diễn ra, để lại những mất mát hết sức thương tâm, nỗi đau kéo dài cho nhiều gia đình và xã hội. Qua thống kê, giai đoạn từ năm 2016-2021, trên địa bàn tỉnh đã có 87 trẻ em tử vong do đuối nước. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 4 trẻ em tử vong do đưới nước.

Nhằm thực hiện quyết liệt, có hiệu quả hơn các giải pháp trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, nhất là trong mùa hè, mùa mưa bão sắp đến; đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 2-5-2022, về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống TNTT và đuối nước trẻ em. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, đưa ra các giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình hình thực tế của địa phương, đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả; đảm bảo hạn chế thấp nhất tình trạng TNTT và đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh; tạo môi trường sống lành mạnh, thân thiện và an toàn cho trẻ em.

Trẻ em cần được học kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước trong thời gian học sinh nghỉ hè.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT; chỉ đạo việc thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”, “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”... Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương theo định kỳ và đột xuất; đảm bảo nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp, nhất là cấp xã và trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh, đặc biệt là học sinh về kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em; triển khai các mô hình thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học, trung học cơ sở từ đó nhân rộng trong toàn tỉnh; triển khai xây dựng mô hình “Trường học an toàn” trong phòng, chống TNTT trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong việc quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè.

Các địa phương tăng cường phối hợp giữa các ngành, các tổ chức, đoàn thể quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp hè, các thời gian bão, lũ, thiên tai để đảm bảo an toàn cho trẻ em nhất là đuối nước; rà soát lại các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước và nguy cơ mất an toàn khác để có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, bảo đảm an toàn cho trẻ em; những khu vực có sông, hồ, ao, suối, kênh, rạch, mương, hố nước, giếng nước, cống thoát nước, công trình đang thi công... mà chưa có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc biển cảnh báo bị hư hỏng, chưa có rào chắn thì phải khắc phục và lắp đặt ngay; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại địa phương, nhất là trong trường hợp trẻ em bị đuối nước do yếu tố chủ quan từ các công trình đang thi công, địa điểm dễ xảy ra đuối nước mà không có biển cảnh báo thuộc thẩm quyền quản lý của các cá nhân sở hữu hoặc doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tài liệu, thông điệp truyền thông phòng, chống TNTT, đặc biệt là tai nạn đuối nước trẻ em cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư. Nâng cao nhận thức của các gia đình trong việc quan tâm, quản lý, bảo vệ trẻ em trong các hoạt động vui chơi, giải trí hằng ngày đối với trẻ em, nhất là ở các vùng nông thôn để tránh tình trạng TNTT, đặc biệt là đuối nước xảy ra...