Toàn tỉnh hiện có 122 cơ sở tự viện, với 252 tăng, ni. Để đồng hành, triển khai hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội, những năm qua, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực, lựa chọn và triển khai thiết thực các hoạt động hỗ trợ đến các tầng lớp nhân dân. Thông qua các buổi thuyết giảng của nhà phật đến chư tăng, phật tử, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền về truyền thống “Tương thân tương ái”, “Uống nước nhớ nguồn”... của dân tộc. Qua đó, mỗi tăng, ni, phật tử hình thành lòng nhân ái yêu thương, từ đó tự nguyện tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Với phương châm “hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng”, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cấp hội, đoàn thể hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hoạt động thiết thực. Từ việc xây nhà tình thương, đào giếng chống hạn, tặng xe đạp, xe lăn cho người khuyết tật ở các huyện miền núi, các cơ sở tự viện trong tỉnh còn duy trì hiệu quả các hoạt động khám, chữa bệnh cho Nhân dân, tiêu biểu như chùa Trà Cang, chùa Phước Thạnh, chùa Đông Nhạc,... Nhằm chia sẻ khó khăn cùng bệnh nhân nghèo, các thành viên trong Ban Trị sự GHPGVN tỉnh còn duy trì các bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi... góp phần giúp người bệnh giảm bớt chi phí điều trị, nhất là những bệnh nhân khó khăn phải nằm điều trị lâu dài. Song song với các hoạt động cứu trợ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh còn chú trọng đến công tác khuyến học, khuyến tài, thường xuyên hỗ trợ các suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh, mở các lớp học tình thương cho con em dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5 tại chùa Long Cát (Thuận Bắc)...
Tăng, ni, phật tử trong tỉnh phối hợp với mạnh thường quân trao xe đạp cho học sinh hiếu học.
Điều đáng ghi nhận là phong trào từ thiện nhân đạo được lan tỏa từ thành thị đến vùng nông thôn. Nhiều cơ sở tự viện dù nhỏ, lớn, với khả năng của mình đều có sự đóng góp tích cực cho địa phương. Hơn 20 năm qua, chùa Phước Điền, xã Phước Thuận (Ninh Phước) luôn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội là một điển hình. Từ sự ủng hộ của các gia đình phật tử, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, mỗi dịp rằm tháng Tư (lễ Phật đản), rằm tháng Bảy (lễ Vu lan báo hiếu) và Tết Nguyên đán..., chùa sẽ tổ chức các buổi từ thiện trao tiền ủng hộ, sách vở, gạo và nhiều nhu yếu phẩm để giúp đỡ người nghèo trên địa bàn xã. Đến nay, đã xây dựng được 10 căn nhà tình thương cho người già neo đơn, hộ gia đình nghèo tại địa phương. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, chùa đã vận động các tăng, ni, phật tử nấu hàng trăm suất cơm hỗ trợ bà con ở các khu cách ly, trao tặng hơn 4 tấn gạo và nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Ngoài ra, chùa còn trợ cấp hằng tháng nhu yếu phẩm cho 6 cụ cao niên gặp khó khăn; hỗ trợ một phần kinh phí học tập cho 2 sinh viên đang theo học tại TP. Hồ Chí Minh.
Hòa thượng Thích Hạnh Thể, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh cho biết: Từ thiện, nhân đạo là một trong những công tác trọng tâm được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chú trọng, thực hiện thường xuyên, kịp thời. Vì vậy, với khả năng và trong điều kiện vốn có của mình, cùng sự ủng hộ của các phật tử và nhà hảo tâm, trên tinh thần đóng góp tự nguyện, 5 năm qua, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã huy động trên 51,1 tỷ đồng thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo chung tay cùng với các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, mang lại ấm no cho cộng đồng. Rất mong thời gian tới, các tăng, ni, phật tử, mạnh thường quân tiếp tục đồng hành với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh duy trì tốt các hoạt động, mô hình từ thiện nhân đạo, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh.
Thùy Dung