Ninh Phước hôm nay

Trong kháng chiến, Ninh Phước tự hào là địa phương đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1996. Phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, năng động và sáng tạo, ngày nay Ninh Phước đang phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới (NTM).

Thành công từ sự nỗ lực

Trở lại Ninh Phước vào dịp tỉnh ta chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh, gắn với 47 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi ghi nhận diện mạo NTM Ninh Phước ngày càng khởi sắc. Dọc theo các tuyến đường liên xã, nhiều ngôi nhà mới xây dựng khang trang với kiểu dáng hiện đại. Hệ thống giao thông trên địa bàn 9 xã, thị trấn được bê tông, lắp đặt đèn chiếu sáng, lắp đặt camera an ninh tạo nên diện mạo vùng NTM sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Nông dân Ninh Phước thu hoạch lúa.

Trong năm 2021, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ninh Phước đã đề ra “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch, vừa khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh với tinh thần chủ động, linh hoạt và quyết tâm cao. Nhờ vậy mà huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2021 tổng giá trị sản xuất các ngành đạt trên 8.842 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 9,93%; thu ngân sách đạt 96,5 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu giao. Là địa phương có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, Ninh Phước đang từng bước phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm được nhân rộng. Địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình cánh đồng lớn gắn với biện pháp canh tác “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; mô hình VietGAP trên cây nho, táo, măng tây xanh; mô hình tưới nước tiết kiệm sản xuất rau an toàn; mô hình bao lưới phòng, chống ruồi vàng trên cây táo... Huyện cũng đã xét công nhận 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện và phát triển các sản phẩm đặc thù chế biến từ nho, táo, thịt cừu và măng tây xanh. Một số sản phẩm đặc thù của huyện từng bước được người tiêu dùng tin tưởng trên thị trường như: Vang nho, nho sấy, mật nho Ba Mọi, Thiên Thảo, trà măng tây xanh Linh Đan, táo sấy xã Phước Hậu, thịt dê, cừu Triệu Tín... Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp CNC huyện Ninh Phước đạt 4.168 ha, thu nhập 415,4 tỷ đồng, chiếm 20,54% giá trị ngành Nông nghiệp. Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích sản xuất không ngừng tăng lên, đạt gần 200 triệu/ha. Tổng giá trị sản xuất 2.388 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23,9 triệu đồng (năm 2015) lên 57,58 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 13,66% xuống còn 2,81% vào cuối năm 2021.

Nông dân Ninh Phước chăm sóc nho. Ảnh: Văn Miên

Tận dụng tối đa lợi thế của địa phương để thu hút đầu tư, từ một huyện thuần nông đến nay Ninh Phước đã ghi được nhiều dấu ấn ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trên lĩnh vực năng lượng tái tạo có 13 dự án với tổng công suất hơn 503 MW; có 2 dự án, công suất 150 MW đang tiếp tục triển khai. Ngoài ra có 493 hộ dân lắp đặt điện mặt trời áp mái, với tổng công suất 60.363 kW được đưa vào vận hành thương mại, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Trên lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã kêu gọi một doanh nghiệp đầu tư trên 35 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp năng lượng tái tạo tại xã An Hải như một hình mẫu về nông nghiệp CNC; 10 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tôm giống chất lượng cao tại xã An Hải. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện cũng đã tập trung huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực duy trì 9/9 tiêu chí NTM cấp huyện, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh; có 8/8 xã đạt chuẩn NTM và xã Phước Thuận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Phát huy nội lực phát triển

Phát huy thành quả đạt được thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, huyện Ninh Phước đặt ra mục tiêu tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch COVID-19; thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của huyện, lấy nông nghiệp CNC và năng lượng tái tạo là động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tập trung quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Ba Mọi phân loại táo để cung ứng cho thị trường. Ảnh P. Bình

Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Từ định hướng phát triển nông nghiệp CNC giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm ứng dụng CNC. Phấn đấu đến năm 2025, sản xuất CNC chiếm 30-35% giá trị ngành Nông nghiệp. Theo đó, Ninh Phước huy động hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tham gia phát triển nông nghiệp theo hướng CNC với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nâng cao chất lượng huyện NTM và xây dựng thị trấn Phước Dân đạt chuẩn đô thị loại IV. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành bình quân hằng năm từ 12 - 13%; thu ngân sách 116,29 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 84,82 triệu đồng.