Chú trọng hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo quy mô tập trung

Ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu chăn nuôi chiếm tỷ trọng khoảng 35,5% trong nội bộ ngành trồng trọt - chăn nuôi và duy trì mức tỷ trọng 10,7% trong toàn ngành. Để đạt mục tiêu, một trong những giải pháp chủ yếu ngành Nông nghiệp đề ra là thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, có giá trị kinh tế cao.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương và ban hành nhiều quyết định với nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tạo chuyển biến tích cực. Thực hiện Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND ngày 27-2-2017 của UBND tỉnh ban hành Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngành Nông nghiệp, các địa phương đã hỗ trợ nông dân, hợp tác xã phát triển các sản phẩm có thế mạnh như bò, dê, cừu thông qua cải tạo giống, phát triển vùng chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn, hình thành vùng trồng cỏ chất lượng cao, liên kết trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Một số quyết định khác như Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh ban hành Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 cũng có tác động tích cực đến hoạt động chăn nuôi.

Chăn nuôi là lĩnh vực có nhiều đóng góp cho ngành Nông nghiệp phát triển.

Các chính sách về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đi vào cuộc sống đã thúc đẩy chăn nuôi có bước phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng và giá trị đóng góp vào toàn ngành Nông nghiệp. Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh, tính theo giá hiện hành, chăn nuôi đóng góp 13,9% giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp năm 2016 và tăng lên 17,2% năm 2021. Chăn nuôi là lĩnh vực có tốc độ phát triển bình quân tăng cao nhất trong toàn ngành Nông nghiệp với mức tăng 17,6% giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng của ngành Chăn nuôi nêu trên là kết quả của việc gia tăng quy mô đàn gia súc có sừng (bò, dê, cừu); ổn định đàn heo và gia cầm, nâng cao chất lượng thịt. Trong chăn nuôi, cơ cấu cừu, dê là chính, chiếm tỷ trọng lớn. Những năm qua, tỷ trọng xuất chuồng đàn dê, cừu của tỉnh có xu hướng tăng nhanh; trong đó, đàn dê đứng thứ 7 trong cả nước, chiếm 6,5%; đàn cừu đứng đầu cả nước, chiếm 95%.

Tuy vậy, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, so với lĩnh vực trồng trọt và thủy sản, hoạt động hỗ trợ phát triển chăn nuôi còn khiêm tốn. Trong tổng số 15 dự án nông nghiệp công nghệ cao đã đi vào hoạt động chỉ có 1 dự án chăn nuôi heo nái sinh sản và 1 dự án chăn nuôi bò sinh sản kết hợp với sản xuất rau hữu cơ. Đầu tư cho khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chưa cao cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tốc độ ứng dụng công nghệ số trong chăn nuôi chậm, thiếu đồng bộ là hạn chế cần sớm khắc phục.

Nông dân Thuận Bắc phát triển chăn nuôi cừu. Ảnh: H.Lâm

Để đưa chăn nuôi lên ngành sản xuất chính, ngày 21-1-2002, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 61/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển khu chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, phát triển chăn nuôi gia súc có sừng tập trung. Để thực hiện các nội dung của Đề án, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ đầu tư chăn nuôi bò sữa, bò thịt cao sản, dê, cừu, heo, gà theo quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tin tưởng ngành chăn nuôi sẽ có sự chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp khi mà hiện nay tỉnh có chủ trương miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân để thành lập trang trại. Đối với các hộ có đất trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung được xây dựng chuồng trại, hoặc chuyển nhượng cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi.

Những khó khăn về tiếp cận vốn phục vụ sản xuất cũng được tháo gỡ. Tới đây, các tổ chức đầu tư phát triển chăn nuôi trong khu chăn nuôi tập trung được hỗ trợ lãi suất vay vốn của các tổ chức tín dụng và hỗ trợ chênh lệch lãi suất tiền vay so với lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội trong 5 năm đầu kể từ ngày có hợp đồng vay vốn để phục vụ phát triển chăn nuôi. Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, đường điện, hệ thống cấp, thoát nước và xử lý môi trường cho cả khu chăn nuôi theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các tổ chức đầu tư phát triển chăn nuôi trong khu chăn nuôi tập trung được hưởng các tiến bộ kỹ thuật (giống, thức ăn, thú y, chăm sóc), công nghệ mới, cung cấp thông tin khuyến nông, thị trường từ chương trình khuyến nông của Trung ương và tỉnh.

Từ định hướng đúng, phù hợp với xu thế phát triển, kỳ vọng ngành chăn nuôi sẽ có bước đột phá mới.