Hiệu quả mô hình sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm ở huyện Ninh Phước

Huyện Ninh Phước thực hiện mô hình sản xuất lúa 3 vụ sang 2 vụ/năm theo Quyết định số 1390/QĐ-UBND ngày 17-8-2020 của UBND tỉnh đến nay đã đạt được hiệu quả bước đầu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho nông dân.

Ninh Phước là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với hơn 23.000 ha đất canh tác, trong đó có hơn 18.000 ha chủ động nguồn nước quanh năm, trong đó diện tích sản xuất lúa trên 15.000 ha. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa 3 vụ/năm hiện nay hiệu quả không cao do năng suất thấp, không ổn định, chi phí lao động cao, dẫn đến hiệu quả sản xuất lúa trên một đơn vị diện tích thấp. Bên cạnh đó, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay gây bất lợi cho sản xuất, nhất là sản xuất vụ mùa. Với mục tiêu tăng năng suất bình quân và tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, sản xuất theo hướng bền vững, huyện đã triển khai mô hình sản xuất lúa 3 vụ sang 2 vụ/năm. Để mô hình đạt hiệu quả cao, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng đồng bộ các giải pháp, lộ trình thực hiện; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân, tạo sự đồng thuận trong việc dừng sản xuất vụ mùa.

Nông dân xã Phước Hữu chăm sóc cây lúa. Ảnh: V.Nỷ

Từ những giải pháp dừng sản xuất vụ mùa đã giúp ngành Nông nghiệp huyện có thời gian chủ động điều chỉnh và bố trí vụ hợp lý, khắc phục được các yếu tố bất lợi về thời tiết, hạn chế được sâu bệnh, cỏ dại; giảm được chi phí đầu tư. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập của người dân được nâng lên. Ông Đàng Năng Hóa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân), cho biết: Trước đây, toàn bộ diện tích hơn 200 ha đất sản xuất của hợp tác xã sản xuất lúa 3 vụ/năm, nhưng hiệu quả kinh tế các vụ đạt thấp do tốn nhiều công chăm sóc, chi phí sản xuất cao, năng suất lúa bình quân chỉ đạt khoảng 6 tấn/ha. Sau khi chuyển đổi từ 3 vụ sang 2 vụ/năm, thời gian giữa các vụ sản xuất lúa kéo dài thuận lợi cho đất “nghỉ ngơi”, có thời gian cày đất phơi ải, cải tạo; độ màu mỡ và dinh dưỡng trong đất được phục hồi làm cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt; giảm được công lao động, chi phí đầu tư, nên năng suất đạt cao. Qua các vụ sản xuất cho thấy năng suất lúa bình quân vụ đông- xuân đạt 7,5 - 8,2 tấn/ha, vụ hè - thu đạt 6,7-7 tấn/ha, lợi nhuận đạt từ 15-20 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với ruộng chưa chuyển đổi.

Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, cho biết: Qua đánh giá hiệu quả các vụ sản xuất lúa từ năm 2019 đến năm 2021, toàn huyện dừng sản xuất lúa vụ mùa được 4.279 ha. Sau khi chuyển đổi mô hình từ 3 vụ sang 2 vụ/năm và nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật được áp dụng như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”; kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM); mô hình san phẳng đồng ruộng bằng tia laser, mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng lớn và áp dụng một số giống lúa xác nhận chất lượng cao vào sản xuất như Đài thơm 8, TH6, TH41, ML202,… năng suất lúa bình quân trong các vụ đông - xuân đạt 7,7 tấn/ha, vụ hè - thu đạt 6,7 tấn/ha, cao hơn so với ruộng chưa chuyển đổi từ 8-13%; giảm được chi phí sản xuất từ 3-8%, hiệu quả tăng từ 25-30% so với ruộng sản xuất 3 vụ/năm.

Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch vụ lúa đông - xuân 2021- 2022. Ảnh: Tiến Mạnh

Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình sản xuất lúa 3 vụ sang 2 vụ/năm. Phấn đấu đến năm 2025 chuyển đổi 4.247 ha đang sản xuất lúa 3 vụ sang sản xuất ổn định 2 vụ/năm. Năng suất lúa bình quân đạt 7,3 tấn/ha/vụ; hiệu quả của mô hình giảm chi phí sản xuất từ 10-15%, tăng thu nhập từ 20-30% so với phương thức sản xuất trước đây.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh thực hiện mô hình chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức rà soát cụ thể thổ nhưỡng từng vùng, hệ thống giao thông, thủy lợi và nhu cầu của người dân để tạo điều kiện khi thực hiện mô hình. Tổ chức bố trí lại cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh và thâm canh có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, có thị trường tiêu thụ ổn định, có sức cạnh tranh cao; tổ chức các lớp tập huấn quy trình sản xuất, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên các giống mới được đưa vào sản xuất trên chân ruộng 2 vụ lúa.